TTH – Hệ thống giao thông tỉnh gần đây đã, đang hiện hữu nhiều tuyến đường kết nối các trung tâm huyện, thị, thành phố hướng về biển. Đó là những “con đường vàng” của Thừa Thiên Huế.
Đường Phú Mỹ – Thuận An dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế biển
Đường khát vọng
Trước đây, cuộc sống người dân ở những địa bàn nằm phía đông bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai như bó hẹp trên triền cát và những rừng phi lao trải dài. Sản vật làm ra chỉ trao đổi trong vùng vì giao thông cách trở, chủ yếu đi lại bằng đò. Ông Phan Chư sinh ra và lớn lên vùng biển Phong Hải (Phong Điền) hiểu hơn ai hết về nỗi vất vả đó. Ông bảo, thập niên 90 hễ có lãnh đạo ở tỉnh, huyện về tiếp xúc cử tri bà con đều kiến nghị có một con đường để rút ngắn khoảng cách với phố thị.
Trước năm 2010, cầu Hòa Xuân (Phong Chương) vắt qua phá Tam Giang nối địa bàn xã Điền Lộc theo QL 49B về các xã biển Ngũ Điền (Phong Điền) qua Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội của những vùng quê biển. Bây giờ, hai bên QL 49B này nhựa hóa hiện hữu những khu dân cư trù phú với cơ sở hạ tầng hiện đại mang vóc dáng đô thị.
“Giờ đây mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, sản vật làm ra trao đổi khắp nơi, nhiều gia đình xây nhà lầu, sắm ô tô sinh hoạt chẳng khác phố thị” – một người bạn của ông Chư thực lòng.
Chị Lê Thị Bé, xã Quảng Công (Quảng Điền) từng thuộc diện nghèo, quanh năm mưu sinh buôn thúng bán bưng ở chợ làng. Từ khi có cầu Hòa Xuân và tuyến QL 49B nâng cấp, mở rộng, chị Bé tích cóp vốn liếng đầu tư xe tải buôn tôm cá ở địa phương qua các chợ lớn và trở thành “đại gia” kinh doanh các mặt hàng hải sản có tiếng ở Ngũ Điền.
Những ai từng sống huyện Phú Vang bây giờ thấy rất rõ sự đổi thay của các xã phía đông ở địa phương này nhờ tuyến đường Thủy Phù – Vinh Thanh được đầu tư dài gần 15 km nối từ TX. Hương Thủy qua cầu Trường Hà. Hơn 10 năm trước khi chưa có tuyến này, Vinh Xuân, Vinh Thanh chỉ có cát và cát, quanh năm hứng nắng và gió. Thời điểm đó, con cá, con tôm, hay khoai, ớt, đậu, lạc làm ra bị tư thương ép giá, tỷ lệ hộ nghèo của Vinh Xuân chiếm hơn 40%.
Khi đường sá thông thương, Vinh Thanh như được đánh thức trở thành điểm hẹn giao thương kinh tế liên vùng. Từ đó các không gian ven biển, phá được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khai thác dịch vụ kinh tế, vừa tạo việc làm, góp phần nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa giữa các vùng. Những khu vực cát ven biển hoang sơ giờ trở thành địa chỉ của các tập đoàn thương hiệu quốc tế. Đơn cử như Tập đoàn PSH (Catalonia – Tây Ban Nha) đầu dự án Ground Breaking Ceremony Hue Amusement and Beach Park ở vùng biển Vinh Thanh; hay Công ty CP Sân golf BRG đầu tư dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng ở xã Vinh Xuân…
Đường Phong Điền – Điền Lộc đang tăng tốc đầu tư phấn đấu hoàn thiện vào năm 2022
Tương lai cho Huế
Hệ thống giao thông chiến lược của Thừa Thiên Huế, ngoài QL 1A đi qua phải kể đến những tuyến đường hướng về biển. Những tuyến đường này vừa tạo đột phá phát triển kinh tế biển, đầm phá vừa hình thành “mặt tiền” của địa phương.
Hiện nay, ở phía bắc của tỉnh, tuyến đường nối từ thị trấn Phong Điền về Điền Lộc dài hơn 16,5km được đẩy nhanh tiến độ, kết nối với xã biển cụm Ngũ Điền (Phong Điền) với các xã đồng bằng và các địa phương miền núi huyện Phong Điền. Tuyến Phong Điền – Điền Lộc có tầm quan trọng, nhất là phá thế độc đạo chia cắt giữa vùng biển với trung tâm huyện lỵ; khi hoàn thiện hứa hẹn thu hút nhiều dự án du lịch, dịch vụ xứng tầm quốc gia, quốc tế.
Tại phía đông TP. Huế, hai tuyến đường chợ Mai – Tân Mỹ dài 5km và Phú Mỹ – Thuận An dài gần 4,2 km khởi công từ năm 2016. Những tuyến này đang được đẩy nhanh thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022 để đưa TP. Huế hướng về biển, mở ra một bức tranh sáng vì hai bên sẽ quy hoạch hình thành những khu dân cư mới, nhà ở hiện đại, tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế du lịch biển, đầm phá…
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý Thừa Thiên Huế phối hợp các bộ ngành liên quan lập kế hoạch đầu tư tuyến đường bộ ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc dài khoảng 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng kinh phí dự kiến 6.480 tỷ đồng. Tuyến này được đánh giá là “con đường vàng” kết nối, tích hợp thuận lợi với mạng lưới giao thông của từng địa phương, phù hợp với các quy hoạch khác trong khu vực và kết nối các tỉnh, thành ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch.
Trong dịp thăm và khảo sát thực tế gần đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị triển khai các nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng trên tuyến, lập quy hoạch, tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Đồng thời, huy động các nguồn vốn để tập trung xây dựng tuyến đường ven biển này sớm hoàn thiện.
Những tuyến đường hướng về biển và ven biển đã, đang hiện hữu như các “trục xương sống”, tạo thuận lợi để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54; cũng như lập các quy hoạch vùng, chi tiết khi mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết điều chỉnh mở rộng diện tích TP. Huế lên gấp 4 lần so với hiện tại.
Bài, ảnh: Minh Văn
Báo ” Thừa Thiên Huế online”