Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.
Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ để nhắc nhở mỗi người con đất Việt về công đức lớn lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc
Ngày 10 tháng 3 âm lịch trong suốt chiều dài lịch sử
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày nay nhân dân ta lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ và cùng nhau về thăm Đền Hùng để tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Theo nhiều tài liệu, từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm.
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Và ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ vì chúng ta có thêm một di sản văn hóa được thế giới vinh danh mà điều đặc biệt hơn cả là qua đây người dân trên khắp thế giới hiểu biết thêm về nền văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, người Việt với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn bền bỉ trao truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngày Giỗ Tổ luôn là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết toàn dân tộc thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn.
Dù ở đâu, trái tim người Việt đều hướng về đất tổ
Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, đời nối đời, thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến tháng 3, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức về Giỗ Tổ Hùng Vương, về với lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc ta.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được bắt đầu chuẩn bị hai ngày trước ngày lễ chính thức, tức là vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch và các hoạt động lễ hội tiếp tục cho đến ngày 11 âm lịch. Trong ngày này, phần lễ được cử hành rất trọng thể mang tính Quốc lễ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phần hội thường có hội trại văn hóa, cuộc thi kiệu của các làng xung quanh, các đám rước linh đình…, không khí lễ hội rất tưng bừng náo nhiệt. Trong lễ hội Đền Hùng, nhân ngày Giỗ Tổ còn tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát xoan) – một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát xoan xưa kia gọi là hát xuân và có từ thời Hùng Vương, được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng.
Có một nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng được tổ chức trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bắt đầu từ chân núi Nghĩa Lĩnh. Rất nhiều người tập trung tại đó để tham gia rước kiệu lên núi. Lễ rước dừng lại ở nhiều ngôi đền khác nhau nằm dọc theo tuyến đường lên núi cho đến khi đến được Đền Hùng tọa lạc tại đỉnh núi.
Năm nay, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, sẽ không tổ chức các hoạt động phần hội và chỉ tổ chức một số nội dung quan trọng của phần lễ tại quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đó, lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức ngày 17/4 (ngày 6/3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày Giỗ Tổ và lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong” được tổ chức vào ngày 21/4 (ngày 10/3 âm lịch)…
Nhưng luôn có một giá trị bất biến, dù ngày Quốc giỗ được tổ chức với quy mô, hình thức như thế nào thì đó vẫn là những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai. Ở ngày Giỗ Tổ năm nay, mỗi con dân nước Việt lại thêm một lần tự hào về những giá trị đó, cùng chung tay đoàn kết và quyết tâm cao độ để đẩy lùi đại dịch.
Câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” đã trở thành lời nhắn gửi, nhắc nhở mọi người dân Việt tìm về lễ giỗ Tổ Hùng Vương thiêng liêng với tất cả lòng thành kính. Dù có thể trở về dâng hương các Vua Hùng trong mùa lễ hội năm nay hay không nhưng hàng triệu người con đất Việt đều hướng về quê cha đất Tổ, cùng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Theo VOV
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”