Trong 2 ngày, 17 và 18/4, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã đến Huế khảo sát các dịch vụ đêm để đánh giá, định hướng khai thác dịch vụ du lịch ban đêm.
Các hoạt động văn nghệ đường phố làm tăng tính hấp dẫn cho tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu vào ban đêm
Dịch vụ đêm ở Huế nhiều thay đổi
Theo Tổng cục Du lịch, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, trong đó có Huế nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu.
Tại Huế, đoàn lần lượt khảo sát các dịch vụ đêm ở tuyến đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu; đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, kết hợp với cầu đi bộ gỗ lim trên sông Hương, công viên Lý Tự Trọng; sử dụng dịch vụ thưởng trà, ngắm sông Hương trên thuyền HRS, sau đó là thưởng thức bữa tối trên chính du thuyền này…
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin đến đoàn khảo sát, ngay sau khi biết Thừa Thiên Huế được chọn là 1 trong 10 địa phương sẽ thí điểm trong đề án phát triển kinh tế ban đêm, địa phương đã rất chủ động. Trước hết là công tác quy hoạch dịch vụ, ngoài các tuyến phố đi bộ đã hình thành, tỉnh cũng đã lựa chọn các đường quanh Đại Nội, gồm 23 Tháng 8, Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm hình thành không gian dịch vụ đêm đặc trưng; khu vực đường Chương Dương, sau lưng chợ Đông Ba cũng được xác định khai thác chợ đêm, hướng đến phát triển du lịch.
“Ở một số nơi, hoạt động du lịch về đêm đã tạo ra những chuyển biến, tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Trong thời gian đến, ngành du lịch Huế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch; đầu tư, nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch đêm hiện có để thu hút du khách; tiếp tục triển khai công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch về đêm”, ông Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Trưởng đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch tại Huế đánh giá, Huế lâu nay biết đến là điểm đến yếu và thiếu về dịch vụ ban đêm. Song qua chuyến khảo sát lần này cho thấy dịch vụ du lịch ban đêm Huế đã thay đổi. Các dịch vụ đã hướng đến tính giải trí, hưởng thụ nhiều hơn là tham quan. Đặc biệt là các dịch vụ gắn với sông Hương, đây là sản phẩm độc đáo, đẳng cấp và sang trọng mà Huế cần tiếp tục mở rộng quy mô và hình thành nhiều loại hình, phân khúc nhiều dòng khách.
Theo Tổng cục Du lịch, Huế đã có nhiều dịch vụ nhưng một điều có thể thấy là du khách chưa biết đến nhiều. Do đó, công tác quảng bá cần được làm tốt hơn nữa. Cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, điểm đến. Về phía Tổng cục Du lịch, sẽ có nhiều hỗ trợ Huế quảng bá, trước mắt là một số bài viết quảng bá trên Tạp chí ASEAN.
Đề suất sớm có cơ chế cụ thể
Theo Tổng cục Du lịch, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại Huế đa dạng, đặc sắc, đồng bộ, có chất lượng trên cơ sở tận dụng thời gian, không gian ban đêm. Phát huy lợi thế của các dịch vụ ban đêm để góp phần thay đổi cơ cấu chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách nội địa và quốc tế. Tăng tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch dành cho sản phẩm du lịch đêm trong cơ cấu chi tiêu của khách 30%; tăng tỷ lệ chi tiêu ngoài chương trình du lịch trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thêm 5-6%; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch thêm 1/2 ngày so với hiện tại.
Việc phát triển du lịch về đêm mang lại nhiều lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế – xã hội của địa phương nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ, giải quyết để có thể khai thác, phát triển một cách hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang còn nguy cơ tái bùng phát, kéo theo khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tâm lý của du khách. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường cần được quan tâm, giải quyết một cách hài hòa khi phát triển dịch vụ đêm. Hiện tại, vẫn chưa có mô hình phát triển, quản lý cụ thể để có thể áp dụng, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả phát triển kinh tế đêm.
Ngành du lịch Huế đề xuất đến Tổng cục Du lịch sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế đêm; trong đó có hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư khu, điểm kinh tế đêm, các tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm…
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, trong đề án phát triển kinh tế đêm cho phép các địa phương khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Hiện tại, các dịch vụ từ 18h đến 24h cơ bản đã có, song các dịch vụ từ 24h đến 6h sáng hôm sau cần được xác định, định hướng cụ thể hơn, để tránh những phát sinh khi hình thành và khai thác.
Ông Nguyễn Quý Phương chia sẻ, Tổng cục Du lịch ghi nhận những kiến nghị, đóng góp của Huế và nhiều địa phương khác. Dựa trên những dịch vụ đã có của các địa phương và những gì đang thiếu, Tổng cục sẽ tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng các địa phương phát triển sản phẩm phù hợp trên nguyên tắc bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tránh trùng lặp và cạnh tranh về sản phẩm đêm.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”