Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong du lịch. Nếu thuận lợi, ngay trong quý III năm nay, khả năng Huế sẽ đón khách quốc tế trở lại.
Du khách thích thú với đàn chim bồ câu trong Đại Nội thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát
Nhu cầu đã “ấm” trở lại
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các địa phương vào ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine”, từng bước mở lại đường bay quốc tế, tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, có chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch.
Thời gian dự kiến đón khách quốc tế trở lại lần này, theo đánh giá của các chuyên gia là khả thi, bởi đã có “hộ chiếu vaccine” là “chìa khóa” quan trọng. Các lần trước, khi dự kiến mở cửa đón khách quốc tế, dịch bệnh trong nước lại bùng phát, hoặc dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp hơn, không đảm bảo yếu tố an toàn nên khiến mọi kế hoạch đều phải tạm dừng. Giai đoạn này, dịch bệnh ở một số quốc gia đang dần được kiểm soát, các quốc gia trên thế giới đang chạy đua với “hộ chiếu vaccine”, nhiều nước đã sẵn sàng để giao thương, tạo ra cộng đồng đủ an toàn trong hoạt động du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin, khi vaccine được sử dụng đã làm thay đổi tâm lý, du khách không còn căng thẳng, quá lo ngại về dịch bệnh. Thời điểm này, ở các nước châu Âu và châu Mỹ nhu cầu di du lịch đã “ấm” trở lại, do đó Việt Nam nói chung và Huế nói riêng không thể chờ đợi nữa, phải chuẩn bị sẵn sàng để đón khách. Nếu các thủ tục pháp lý hoàn thiện nhanh, khả năng ngay trong quý III năm nay sẽ đón những đoàn khách đầu tiên trở lại.
Theo phân tích của ông Vũ Thế Bình, kích cầu du lịch nội địa đang được triển khai đồng bộ, ở tất cả các điểm đến, nhưng về doanh thu du lịch chỉ chiếm 30% so với trước. Xét tổng thể chung, dòng khách nội địa giúp duy trì hoạt động là đã quá thành công, về lâu dài để giúp các doanh nghiệp phục hồi thì chỉ khai thác được khách quốc tế. Một điểm lạc quan trong việc sẵn sàng của ngành du lịch là sự nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Suốt thời gian dài, không ai trong ngành du lịch bị nhiễm bệnh và đó là cơ sở để đón khách quốc tế trong tâm thế tự tin và an toàn.
Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia, sau khi trao đổi với 80 đối tác ở châu Âu, thông tin nhận được là rất khả quan, số lượng đặt tour đã tăng đáng kể. Huế vẫn là điểm được lựa chọn đối với khách quốc tế. Ngoài những sản phẩm, thương hiệu đã có sẵn, điểm đến an toàn, cảnh quan được chỉnh trang là những gì Huế thu hút khách quốc tế trở lại, thuận lợi hơn so với nhiều điểm đến khác.
Khả năng trong trong quý III, khách quốc tế sẽ quay trở lại Huế
Sẽ có quy trình đón khách
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, để quá trình đón khách an toàn, Tổng cục Du lịch đang phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Tổng cục đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch lựa chọn một số doanh nghiệp, điểm đến, lựa chọn một số thị trường phù hợp để triển khai thí điểm. Qua thí điểm mới đưa ra được phương thức và quy trình chuẩn để đón khách, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng.
Trong quá trình thí điểm đón khách, vai trò của doanh nghiệp trong cả nước nói chung và ở Huế là rất quan trọng. Những doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thí điểm cần phải chủ động hơn và thống nhất trong tư tưởng. Việc đón khách quốc tế là yếu tố “sống còn” với doanh nghiệp hiện nay, nên cần có sự thống nhất, tránh tâm lý hoang mang.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, để có sự chủ động cần thiết, ngành du lịch Huế đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh có những sự lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp để tham gia khai thác, phục vụ khách quốc tế đầu tiên khi trở lại. Huế có kinh nghiệm quản lý và đón khách an toàn qua nhiều đợt dịch, đây cũng là lợi thế để các doanh nghiệp chủ động, không bị bỡ ngỡ với những yêu cầu mới, có tính nghiêm ngặt hơn khi đón khách quốc tế.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương góp ý, để khai thác khách quốc tế trong giai đoạn mới, Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam cần có định vị sản phẩm du lịch mới, tạo ra sức bật mới cho cả khu vực, giúp doanh nghiệp khai thác khách tốt hơn. Huế đang định hướng vị thương hiệu “Kinh đô áo dài” và “Kinh đô ẩm thực”, đây là hai dòng sản phẩm mà Huế cần khuếch trương mạnh mẽ hơn nữa.
“Qua trao đổi với các đối tác, nhất là thị trường khách Thái Lan (đây là thị trường lớn của Huế những năm qua) khả năng sẽ hội đủ các điều kiện để trở thành khách quốc tế đến Huế đầu tiên. Đối với Huế, nhất là chùa Huyền Không Sơn Thượng được khách Thái Lan lựa chọn bởi có kỷ niệm với Hoàng gia Thái Lan khi đã có người trong Hoàng gia quy y ở đây và hiện đang lưu giữ chứng tích. Huế cần sớm hoàn thiện đường giao thông lên chùa, để tạo thuận lợi cho khách di chuyển tốt hơn”, ông Nguyễn Sơn Thủy chia sẻ.
Theo ông Trần Trọng Kiên, đối với nhiều thị trường khách quốc tế, xu hướng nổi bật sau dịch là đi du lịch an toàn và chất lượng. Có một thay đổi được chỉ ra là chi phí đặt tour trung bình cao hơn, gần gấp 1,5 lần so với trước. Đây là lưu ý mà Huế cần biết để xây dựng sản phẩm chất lượng tương ứng đón đầu xu thế.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên online ”