Nếu chưa thì nên đến một lần. Bến Me bây giờ khác lắm, không còn những lùm cây tối tăm, u ám. Ở đó có cây cầu bán nguyệt được làm bằng gỗ trên sông Hương. Đi bộ cũng đẹp mà chụp hình thì càng xinh. Phía trên bờ thì thoáng đãng, rợp bóng cây. Đi mệt thì nghỉ một lát ngắm sông, hít thở không khí mát lành, uống một ly nước mía ngọt thanh nơi đầu lưỡi. Lòng như dịu lại bởi khung trời nên thơ.
Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, Bến Me gần như không khi nào không có khách check-in
Còn nếu bạn đến rồi thì ngược qua phía Công viên Lý Tự trọng, chỗ có đài phun nước nghệ thuật ấy, cũng lắm điểm để check-in. Đi chán rồi thì ghé mấy quán cà phê dọc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ ngồi thư thả ngắm Huế để… lấy sức mà đi tiếp. Bởi Huế còn nhiều chỗ đẹp lắm.
Chỗ “đẹp lắm” mà bạn tôi mới đến và không ngớt xuýt xoa là hồ Khe Rưng, ở Sơn Thọ, Hương Thọ (Hương Trà), vốn là địa điểm được giới trẻ “khai quật” hồi hè năm ngoái bởi vẻ đẹp xanh mát, trữ tình như giữa thảo nguyên xanh nơi vùng sơn cước. Nay họ còn đầu tư thêm cây cầu tre để bạn trẻ tha hồ tạo dáng, check-in. Trên bờ thì trồng thêm vườn hướng dương đang độ đua sắc. Ở góc nào, bạn trẻ cũng có được bộ ảnh ưng ý nên họ kháo nhau “set kèo” để đi cuối tuần này. Nếu bạn có thời gian đừng bỏ lỡ không gian lãng mạn này nhé.
Khu vực Công viên Tứ Tượng cũng là điểm đến không nên bỏ qua
Nếu ngại đi xa, vì hồ Khe Rưng cách TP. Huế chừng 12km, bạn có thể ngược lên Kim Long thăm các nhà vườn xanh ngát, tiện thể ghé vườn hoa trước Văn Thánh (TP. Huế) để ngắm hoa nở rồi làm bộ ảnh kỷ niệm. Xa hơn một chút thì ra Hương An (Hương Trà) cũng tầm 10km thôi, bạn sẽ được hòa mình trong đồng quê yên bình. Ở đó cũng có vườn hoa được đầu tư công phu lắm. Chủ vườn còn thiết kế một số điểm chụp hình có view “sống ảo” sang chảnh không kém khung trời Tây. Và nếu vẫn còn lưu luyến với hoa, mà hoa trồng tự nhiên thì làng hoa Phú Mậu (Phú Vang) cũng không xa lắm. Chỉ qua đập La Ỷ là tới sau khi bạn thẳng tiến từ đường Nguyễn Sinh Cung (Huế) rẽ vào phía cầu chợ Dinh-chỗ có bức tường bích họa cũng ăn ảnh lắm.
Chán hoa rồi thì ghé tìm hiểu lịch sử triều Nguyễn thôi. Đến Huế mà không vào Đại Nội, lăng tẩm thì “có lỗi” với bản thân lắm. Bởi Đại Nội là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của triều đình nhà Nguyễn.
Đại Nội còn là công trình có quy mô đồ sộ nhất Việt Nam, với lối kiến trúc độc đáo, đặc sắc, là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều và làm việc) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc). Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những công trình độ sộ, nguy nga tráng lệ hiếm nơi nào có được.
Rồi hệ thống lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, mỗi công trình cũng là một điểm đến mà nếu bỏ qua, bạn sẽ tiếc nuối lắm. Bởi không đâu trên đất nước hình chữ S này có những lăng tẩm bề thế như vậy. Đáng chú ý trong đó là lăng vua Khải Định, được xây dựng hơn 10 năm, trải qua hai triều vua Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại, chừng đó đủ để nói lên sự công phu, tốn kém để xây nơi an nghỉ của vua Khải Định. Tôi đồ rằng, nếu lần đầu đến bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi sự hoành tráng, nguy nga của lăng…
Khi đã mỏi chân, muốn dừng nghỉ và thưởng các món ngon đặc sản Huế, mời bạn về trung tâm TP. Huế, ở đó có đủ các món từ ăn vặt đến ăn no, từ ăn chơi đến ăn “bể bụng” mà vẫn chưa hết món. Tối đến muốn chơi khuya thì ra phố Tây. Quán nhậu không thiếu mà “mồi” thì bắt lắm. “Ăn hoài không chán mô, như món gân kiệu này, cơm hến này, bánh bèo này, bún giò này…”, là câu cửa miệng của bạn tôi mỗi khi nhắc đến Huế.
Còn tôi, cũng “set kèo” cùng hội chị em bạn dì check-in Huế. Là vì ở Huế mà nhớ Huế lạ lùng!
Bài, ảnh: HỒNG TÂM
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “