Nói đến Huế, mọi người thường nhắc đến triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Và, “cung vua, phủ chúa” là nơi mang đậm đà bản sắc văn hóa Huế. Ở Huế dưới thời triều Nguyễn có khá nhiều phủ đệ. Phủ là nơi ăn ở của các hoàng tử, đệ là nơi dành cho công chúa sau khi đã lấy chồng, tập trung chủ yếu ở Kim Long, Vỹ Dạ, hay ven sông Bến Ngự. Tuy nhiên, những ngôi “biệt phủ” như phủ Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương bây giờ dường như được ít người biết đến, mặc dù ở những nơi đó, bóng hình của Huế một thời vàng son vẫn còn ghi dấu ấn rõ nét.
Cổng phủ Tuy Lý Vương
Tôi ghé về thăm phủ Tuy Lý Vương vào một buổi chiều sau những ngày giông bão. Nắng đã lên. Phủ Tuy Lý Vương tọa lạc tại số 140, đường Nguyễn Sinh Cung (TP. Huế). Từ cầu Trường Tiền, hướng về Đập Đá, đi qua phía thôn Vỹ Dạ. Phủ Tuy Lý Vương, từng là nơi ở và bây giờ dành để thờ tự vị hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Trinh, sinh năm 1820, con thứ 11 của vua Minh Mạng.
Tuy Lý Vương từ, được người dân nơi đây gọi bằng một cái tên dân dã: Phủ Ba cửa. Bởi nhìn từ bên ngoài, phủ có ba cửa, một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên. Vẫn là khung cảnh tôn nghiêm và có chút đượm buồn của những ngôi nhà vườn xứ Huế, những gian nhà cổ với màu vàng son, lợp ngói liệt được giữ gìn cẩn thận, cảm giác như nếu mất đi rồi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Phủ chúa khác với những ngôi nhà vườn Huế bởi được chạm khắc rồng phượng tinh tế hơn, trang nghiêm hơn. Những bức phù điêu được khắc trên cổng phủ. Trên bức bình phong cho thấy tài nghệ của những nghệ nhân xưa rất tỉ mỉ, chỉn chu đến từng chi tiết.
Bác Vĩnh Phú là con cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh, đều đặn thờ phụng tổ tiên
Phủ rộng khoảng hơn 2.000m2, chia thành hai phần, phần phía trước là nơi thờ mẹ của ngài, bà tiệp dư Lê Thị Ái. Phía sau, nơi ngôi nhà hai gian ba chái là nơi thờ tự ngài Tuy Lý, bên trong ngoài di ảnh còn có một số vật dụng của ông cũng như những chiếc gối mà ông từng dùng khi còn sống.
Tuy Lý Vương là một nhà thơ đa tài, được mọi người gọi là “ông hoàng thi ca”, năm 13 tuổi ông đã biết làm thơ. Ông nổi tiếng với những tập thơ Vi Dã thơ tập, Nữ phạm diễn nghĩa từ, Hòa Lạc ca. Ông từng được vua Tự Đức khen trong câu thơ:
“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”
Câu thơ có nghĩa là, có Quát (Cao Bá Quát) và Siêu (Nguyễn Văn Siêu) thì văn chương thời Hán cũng không tìm thấy ai bằng. Và có Tùng (Tùng Thiện Vương) và Tuy (Tuy Lý Vương) thì thơ ca thời Đường cũng chẳng có ai sánh.
Ngoài làm thơ, Tuy Lý Vương còn biết đến với nghề bốc thuốc. Ông từng vào Y viện để chữa bệnh cho vua Tự Đức lúc ngài bị bệnh nặng.
Thời gian không bao giờ quay trở lại, và người của xa xưa đã ở lại với xa xưa. Hoàng cung vẫn đó, phủ chúa vẫn đây như là một minh chứng của một giai đoạn lịch sử của dân tộc, để thế hệ mai sau giữ gìn và bảo tồn.
Tôi quay trở ra phía cửa, hướng nhìn lên mái phủ, hình ảnh rồng phượng chạm khắc tinh tế dưới ánh nắng chiều trở nên sinh động hơn bao giờ hết, chợt lòng mình dấy lên cảm giác tự hào quá đỗi, rằng, sau bao nhiêu năm tháng, Huế vẫn thế, vẫn thâm trầm và da diết, dấu ấn vàng son của một thời lịch sử vẫn còn như nguyên vẹn trước mắt mình.
Nếu bạn đến Huế, hãy thử bước chân vào những phủ đệ trong “vườn Huế” để nhìn lại một quá khứ vương tôn quý tộc, và để thấy Huế bình yên, êm ả, chân thành nhưng không kém phần uy nghiêm, trầm mặc. Chiêm ngưỡng những mộc bản in thơ của “ông hoàng thơ ca” và lắng mình trong khu vườn yên tĩnh của Huế.
NAM GIAO
Nguồn: ” Báo Thừa Thiên Huế online “