TTH – Một bức tranh với đồi núi nhấp nhô, suối trong róc rách, với rừng cây, hoa cỏ xanh thắm bốn mùa… vốn là giấc mơ họa sĩ Lê Bá Đảng thể hiện qua những tác phẩm “Không gian” đã trở thành tác phẩm có chiều kích thật với Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Le Ba Dang memory space) ở Kim Sơn, xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy.
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng nhìn từ trên cao. Ảnh: NVCC
Công trình của giấc mơ
Trong không gian non nước hữu tình, công trình này được thiết kế tinh tế, sang trọng nhưng hòa với thiên nhiên và đầy ắp tính nghệ thuật. Điểm nhấn là không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng, trưng bày 50 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, với đủ loại chất liệu, phương pháp tạo hình… thể hiện các bước ngoặt cho những giai đoạn sáng tác của ông.
Sân thượng của ngôi nhà là nơi tưởng nhớ, ngắm cảnh, từ đây nhìn xuống sẽ thấy trọn vẹn bức tranh ước lệ của Lê Bá Đảng được hình thành từ sự kết hợp giữa thiên nhiên sẵn bày và sắp đặt của con người. Một đường hầm dài dưới sườn đồi là nơi trưng bày nghệ thuật và những tư liệu, tranh ảnh về gia đình của danh họa. Nơi đây còn có không gian biểu diễn, lễ tân, nơi nghỉ chân cho khách tham quan…
“Không gian lưu niệm này là một tác phẩm không gian của họa sĩ Lê Bá Đảng được thể hiện bằng chiều kích thật. Nhà lưu niệm cũng là một tác phẩm của ông với hình ảnh người phụ nữ đội nón được thiết kế trung thành với bản gốc tác phẩm. Trong không gian này, tất cả đều là tác phẩm nghệ thuật, kể cả cây cối”, bà Lê Cẩm Tế, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, người dành nhiều tâm huyết xây dựng công trình nghệ thuật này chia sẻ.
Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng được thiết kế theo một tác phẩm của ông. Ảnh: NVCC
Tốn nhiều tâm sức nhất trong bức tranh này là không gian sân vườn. Khi công trình chưa hình thành, nó đã là một khu vườn đẹp với hoa nở bốn mùa. Bà Lê Cẩm Tế cố gắng sưu tầm những loại cây, màu hoa vợ chồng họa sĩ Lê Bá Đảng yêu thích, đa phần là những loài hoa màu tím và hoa giấy – loài hoa ông Đảng đặc biệt yêu thích bởi càng nắng, càng cằn khô thì hoa càng đẹp.
Thiết kế, xây dựng bằng cảm xúc
Sinh thời, họa sĩ Lê Bá Đảng đã mơ về một không gian mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm. Mong muốn có một bức tranh không gian với chiều kích thật, ông từng về Huế tìm mảnh đất thích hợp ở Bàu Hồ. Mơ ước chưa thành hiện thực thì họa sĩ gặp vấn đề về sức khỏe không thể về Việt Nam được nữa.
Năm 2014, một dịp tình cờ, bà Tế lên Kim Sơn, nhìn thấy mảnh đất tọa lạc không gian lưu niệm bây giờ, trước khung cảnh trước núi, sau núi, giữa thung lũng, bà tưởng như đang xem bức tranh “Không gian” của Lê Bá Đảng. Mảnh đất ấy bà Tế mua làm thành một khu vườn. Đến năm 2016, bà Myshu LeBaDang, phu nhân họa sĩ, trong dịp về dự kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đến thăm nơi này, bà muốn biến nó trở thành bức tranh chiều kích thật của Lê Bá Đảng như mơ ước của ông.
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng hình thành từ sự chia sẻ, chung tay của những người yêu mến và ngưỡng mộ tài năng Lê Bá Đảng ở trong và ngoài nước. Suốt 4 năm, cả đội ngũ xây dựng công trình này làm việc cật lực bằng sự hứng thú, không kể ngày đêm. Khác với những công trình bình thường khác, việc thiết kế và thi công không gian này cũng hoàn toàn dựa vào cảm xúc.
KTS. Hồ Viết Vinh, người thiết kế công trình bộc bạch, ông đã xem, nghiền ngẫm tác phẩm của Lê Bá Đảng và nhìn thấy trong đó tinh thần, tinh hoa của người Việt. Những ý tưởng, cách nhìn của danh họa Lê Bá Đảng về cái đẹp khiến ông phải thay đổi cách thức thiết kế một công trình nghệ thuật. Quá trình thi công cũng thực hiện dần dần chứ không có chủ ý nào rõ ràng. Nhiều ý tưởng đã làm nhưng không phù hợp lại phải thay đổi, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.
“Sáng tạo của họa sĩ Lê Bá Đảng về mặt không gian rất độc đáo, ở đó ông thỏa nguyện giấc mơ của mình và lột tả tất cả cái đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam. Khi thiết kế công trình này, tôi dựa hoàn toàn vào cảm xúc với khung cảnh hoang sơ của mảnh đất ấy và tác phẩm của Lê Bá Đảng chứ không dùng tư duy thiết kế thông thường, kể cả việc tổ chức không gian, sắp đặt công năng. Việc thiết kế được hoàn thiện dần dần chứ không định sẵn, giống như người họa sĩ hoàn thiện một bức tranh”, KTS. Hồ Viết Vinh nói.
Việc khai thác, phát huy giá trị không gian lưu niệm cũng đang được bà Lê Cẩm Tế cân nhắc cẩn thận, để vừa hài hòa hai mục đích: đón những vị khách thực sự yêu nghệ thuật đến tham quan, có nguồn thu để vận hành bộ máy, chăm chút cho không gian này đẹp hơn, nhưng vẫn giữ được sự yên bình, tinh tế của không gian nghệ thuật. Không gian này cũng có thể tổ chức những chương trình nghệ thuật chất lượng về hội họa, âm nhạc, điện ảnh…
Phần trưng bày sẽ bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời, những bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng và những tác phẩm đang được bà Myshu LeBaDang lưu giữ ở Pháp, hoặc các nhà sưu tập trên thế giới trao tặng.
MINH HIỀN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “