Chả trứng mực chắc cũng không lạ gì với người mê hải sản, nhưng người ta thường biết đến đặc sản chả trứng mực Đất Mũi, chả trứng mực Nha Trang, Phan Thiết mà ít người biết chả trứng mực Huế do mấy o, mấy mệ làng biển chế biến cũng rất ngon.
Những miếng chả vàng rộm mê hoặc người ăn từ ánh nhìn
Không biết cũng phải, bởi chả trứng mực không phải là món ăn phổ biến vì nguyên liệu có phần hạn chế, cứ 10 – 12kg mực tươi mới có thể thu được1kg trứng mực. Cũng hay nghe lõm bõm mấy o làng biển quê chồng làm chả trứng mực ngon chứ chưa có cơ hội thưởng thức nên tôi không biết nó ngon như thế nào.
Thấy mạ đi chợ về có vẻ vui hơn mọi ngày, tôi nghía thấy cái làn đầy ăm ắp đồ ăn. Mạ vui vẻ, lâu lắm rồi mới có tộ (mớ) trứng mực tươi rói, mạ mua về làm chả cho mấy cha con ăn, thằng cả (chồng tôi) là khoái món ni nhất đó, tí về răng rồi cũng mừng quýnh cho coi.
Khi bắt tay vào công đoạn chế biến, để trứng mực không bị vỡ, nát và và tránh túi mật vỡ, mạ cẩn thận bóc từng túi mật, rửa từng buồng trứng một. Cho trứng mực vào cối quết đều tay cho nhuyễn, để tăng độ nhuyễn và kết dính mạ cho thêm vài quả trứng gà, đánh đều. Sau khi thêm gia vị: tiêu, mì chính, hạt nêm cho đậm đà thì chả trứng mực được bắt ra thành bánh, mỗi bánh bằng cái dĩa vừa. Chả làm xong, chiên sơ có thể ăn ngay hoặc cấp đông có thể ăn cả tháng.
Lụi cụi cả buổi sáng cuối cùng thì món chả trứng mực của mạ cũng xong. Dầu vừa sôi, đặt bánh chả trứng mực lên chảo đã nghe mùi thơm của trứng mực, gia vị lẫn với mùi trứng gà tỏa ra thơm nức. Miếng chả trứng mực được chiên vàng rộm với mùi thơm khiến người chế biến cũng phải ứa nước miếng.
Mâm cơm sáng nay của hai mẹ con “chả có gì” ngoài hai dĩa trứng mực ú nụ và tô canh chua. Tôi nghe “đồn” món chả trứng mực đặc sản quê chồng đã lâu giờ mới được mắt thấy, miệng thử. Cắn miếng thứ nhất thấy béo ngậy, cắn thêm miếng thứ hai độ ngon hình như tăng lên với vị thơm bùi. Tới miếng thứ ba thì bị mê hoặc hoàn toàn, vị béo thơm của chả trứng mực, đúng là ngon, rất lạ và khó tả hết. Những miếng chả trứng mực được cắt lát tầm ngón tay cái, khi ăn kẹp thêm ít rau mùi chấm với nước mắm nguyên chất lại càng đậm đà, ngon miệng. Lần đầu được thưởng thức bị mê hoặc đã đành, chồng tôi con nhà biển nòi cũng tấm tắc khen lấy khen để, vừa ăn vừa “đòi” phần mang lên phố để dành khi nào thèm, nhớ biển mà nhâm nhi.
Bài, ảnh: THẢO VY
Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online