Khách nội tỉnh được xác định là dòng khách có khả năng phục hồi sớm nhất sau dịch COVID-19. Vì thế, cần có những chính sách kích cầu chuyên biệt từ ngành du lịch; ngược lại, khách trong tỉnh cũng cần hỗ trợ ngành du lịch bằng việc “Người Huế ưu tiên đi du lịch Huế”.
Hiện, các điểm đến đều có chính sách ưu đãi với khách nội tỉnh
Ưu tiên đi du lịch Huế
Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch nhận định, trong năm 2020, ngành du lịch Huế chủ yếu dựa vào khách nội địa. Sự phục hồi thị trường khách nội địa sẽ theo lộ trình là trong tỉnh, nội vùng và toàn quốc. Theo dự đoán này, khách nội tỉnh sẽ là giải pháp giúp du lịch Huế hồi phục sớm nhất, cần được ưu tiên để kích cầu đầu tiên.
Hiệp hội Du lịch phân tích, sở dĩ có dự đoán này là vì khách nội tỉnh sẽ nắm bắt những thông tin về tình hình dịch bệnh và các điểm đến trong tỉnh tốt hơn so với nội vùng và toàn quốc. Việc xây dựng tiêu chí điểm đến an toàn cũng nhanh tiếp cận được khách nội tỉnh. Hơn thế, xu hướng đi du lịch với thời gian ngắn, địa điểm gần là điều kiện để các điểm đến chú trọng khai thác dòng khách trong tỉnh. Trước những khó khăn của ngành du lịch, để kích cầu được nhu cầu đi du lịch của khách nội tỉnh, các DN đề xuất cần có một chiến lược “Người Huế ưu tiên đi du lịch Huế” áp dụng trong thời gian đến.
Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế, đây là giải pháp cần được đẩy mạnh vì trên thực tế, nhu cầu đi du lịch của người dân đã trở lại và chủ yếu đi trong tỉnh với thời gian 1 ngày, hoặc 2 ngày 1 đêm. Sau khi dịch bệnh được khống chế, các cơ quan Nhà nước, đoàn thể cũng sẽ có nhu cầu đi du lịch sau quãng thời gian dài “căng sức” chống dịch. Sự hỗ trợ bằng việc chọn đi du lịch trong tỉnh sẽ giúp các DN hồi phục, tạo việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước….
Hội Lữ hành tỉnh cho biết, từ nay cho đến khoảng tháng 7/2020, dòng khách nội tỉnh đi du lịch chủ yếu tập trung vào khách gia đình, khách lẻ. Sau 2 tháng nữa sẽ bắt đầu có khách đi theo đoàn. Hiện các DN đã bắt đầu xây dựng và “tung” ra các tour với chương trình kích cầu chủ đề “ai cũng có thể đi du lịch” với giá tour đi trong tỉnh khá thấp, nhằm thay đổi không khí, kích thích nhu cầu của khách.
Trước đó, tại cuộc họp bàn giải pháp phục hồi du lịch Huế cuối tháng 4/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng đã có yêu cầu, cần xác định đúng lộ trình phục hồi của từng dòng khách, trong đó ưu tiên khách trong tỉnh. Thời gian đến, Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội hướng đến khách nội tỉnh, làm sao để khơi dậy và tạo không khí sôi động cho các điểm đến. Đồng thời, đảm bảo các yếu tố an toàn để người dân yên tâm chọn các điểm đến trong tỉnh.
Du khách tuân thủ các quy định kiểm tra y tế khi đến Eco Yeshue Thác Mơ (Nam Đông)
Đồng bộ giải pháp
Hội Lữ hành tỉnh thông tin, hiện các DN cùng thống nhất xây dựng tour khám phá, trải nghiệm Huế với thời gian 1 ngày có giá khoảng 190.000 đồng/người. Các DN sẽ ưu tiên xây dựng các sản phẩm mang tính kích hoạt ai cũng đi được, với hai dòng sản phẩm chuyên về nghỉ dưỡng cuối tuần có thời gian ngắn, giảm giá đến 40%. Sẽ có tour nghỉ dưỡng bình dân với giá khoảng 500 nghìn đồng và một gói cao cấp hơn để các khách có điều kiện lựa chọn. “Hiện 100% đối tác điểm đến, khu nghỉ dưỡng đang có những chính sách khuyến mãi nên thuận lợi cho các DN tổ chức tour thuận lợi”, đại diện Hội Lữ hành thông tin.
Sở Du lịch cho biết, các DN, điểm đến đã thông báo đến cơ quan quản lý các chương trình ưu đãi để tăng cường quảng bá. Như ở Eco Yeshue Thác Mơ (Nam Đông) có chương trình “0 đồng”, tạo thu hút khách nhóm gia đình, các nhóm bạn trẻ. Suối khoáng Thanh Tân – Alba có chương trình giảm giá 50% cho tất cả các khách trong tỉnh. “Hiện, Huế đang có 8 điểm du lịch được công nhận. Tại các điểm này, ngành sẽ khuyến khích có dịch vụ và các gói khuyến mãi để thu hút khách nội tỉnh vào dịp cuối tuần với hình thức mới”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh.
Trở lại với đề xuất “Người Huế ưu tiên đi du lịch Huế”, để kích thích nhu cầu đi du lịch và lựa chọn Huế là điểm đến nghỉ dưỡng, ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành cho rằng, cần có một cuộc gặp gỡ của cộng đồng DN Huế để có những thống nhất, các DN ở loại hình kinh doanh khác ưu tiên mua sản phẩm của DN Huế để đi chơi ngay trên đất Huế. Đổi lại phía DN Huế có giá ưu đãi, với chính sách DN không lợi mà chủ yếu là tạo việc làm cho người lao động.
Các DN đề xuất với ngành du lịch, các cơ quan, đoàn thể sẽ là dòng khách đoàn khá lớn sau dịch. Cơ quan quản lý ngành du lịch có thể kết nối để các khách đoàn này ưu tiên sử dụng dịch vụ trong tỉnh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Chắc chắn đây là việc mà ngành du lịch sẽ chủ động, nhằm hỗ trợ tốt cho DN phục hồi”.
Lãnh đạo sở cũng cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, để thêm phần thu hút khách nội tỉnh, ngành tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tổ chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn, như Festival Huế 2020, Huế – Kinh đô ẩm thực, Huế – Kinh đô áo dài, VnExpress Marathon Huế 2020, lễ hội lân, sen, diều,…
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: báo Thừa Thiên Huế online