Đã gần một tháng, Huế không đón khách du lịch, và thời gian khách quay trở lại chưa được xác định bởi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hai tháng, ba tháng, hay có thể lâu hơn… để du lịch hoạt động trở lại, tất cả cần được tính toán cụ thể.
Ngành du lịch cần có chiến lược để phục hồi nhanh sau dịch bệnh
Các kế hoạch trước đó đều “phá sản”
Còn nhớ, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó đến một số quốc gia ở châu Á, lúc này, du lịch Huế nói riêng và cả nước nói chung khá “tự tin” đón và phục vụ những thị trường khách đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Úc. “Điểm đến an toàn” là thông điệp được truyền thông mạnh mẽ để thu hút khách và cũng được xem như giải pháp để giúp ngành du lịch duy trì hoạt động trong tình cảnh khó khăn.
Hàng loạt sản phẩm, gói kích cầu được bàn thảo và chính thức được áp dụng để thu hút khách. Nhưng mọi tính toán đều bị “phá vỡ” khi dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn ở trong nước, kể từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 về sau. Trên thế giới càng phức tạp hơn, virus SARS-CoV-2 lần lượt lan rộng ra khu vực Trung Đông. Sau đó là châu Âu, châu Úc. Đến nay, châu Mỹ đang được xem là “ổ dịch” phức tạp và Mỹ là “điểm nóng” nhất thế giới tính đến giữa tháng 4/2020.
Có thể thấy, từ những điểm nhỏ lẻ, nay dịch bệnh đã lan rộng trên toàn thế giới. Du lịch bị tác động rộng khắp và tê liệt cả toàn cầu. Ngay cả những người “cuồng” du lịch cũng phải buộc ở nhà vì dịch bệnh. Đến hiện tại, điểm đến bền vững, không bền vững; hay điểm đến an toàn, không an toàn đang trở thành câu hỏi được đặt ra cho ngành du lịch toàn cầu.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, mọi giải pháp để kiểm soát dịch, đảm bảo điểm đến an toàn, các gói kích cầu tạm thời… đã được ngành du lịch Huế triển khai. Song, dịch bệnh như vũ khí vô hình, vượt qua mọi tính toán. Đây là cuộc “khủng hoảng” về du lịch lớn nhất mà thế giới, Việt Nam và Huế nói riêng từng phải trải qua. Phát triển du lịch một cách bền vững, hạn chế các rủi ro là điều mà sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ phải được ngành du lịch Việt Nam và Huế đánh giá lại, một cách toàn diện và cụ thể.
Khách du lịch đến Huế trước thời điểm cách ly xã hội
Ưu tiên kích cầu nội địa
Câu hỏi đang được đặt ra hiện tại cho tất cả, không riêng du lịch là khi nào dịch bệnh sẽ được khống chế. Những dự báo gần đây cho rằng, thế giới có khả năng sẽ khống chế được dịch bệnh sau Việt Nam khoảng 2-3 tháng. Nếu thế giới khống chế được dịch bệnh vào khoảng tháng 8/2020, thì Việt Nam sẽ khống chế được trong tháng 5/2020. Tuy vậy, đó vẫn là dự đoán, còn thực tế như thế nào vẫn chưa thể dự đoán chính xác.
Thêm một câu hỏi dành riêng cho ngành du lịch là khi nào khách du lịch lại “xê dịch”; khi nào các yếu tố về điểm đến an toàn, phá băng tâm lý, và quan trọng nhất là kinh tế sẽ không còn chi phối du khách do dịch bệnh gây ra?
Câu hỏi liệu khách có sớm đi du lịch trở lại và nguồn kinh phí ở đâu, khi dịch bệnh gây tác hại quá lớn. Theo các chuyên gia du lịch, cần phân tích rằng, trước hết khách du lịch là ai. Dịch bệnh có ảnh hưởng, song những người đã có tích lũy từ trước đó vẫn sẽ đi du lịch sau một quãng thời gian căng thẳng vì dịch bệnh. Sự kìm nén lâu nay cũng là sự kích thích du khách đi du lịch nhiều hơn. Có thể sẽ chưa mang tính đại trà, song cũng phần nào giúp điểm đến có lượng khách nhất định ban đầu.
Theo các doanh nghiệp du lịch, để sớm thu hút khách quay trở lại, Huế phải có những cơ chế kích cầu đủ mạnh. Khách nội địa đến Huế thời điểm hậu dịch sẽ được khuyến mãi những gì. Các cơ chế chính sách quảng bá, truyền thông điểm đến đủ đậm nét, hấp dẫn… là những điều mà du lịch Huế cần làm sớm từ bây giờ.
Đối với khách quốc tế, sự phục hồi sẽ chậm hơn so với khách nội địa, nên sẽ quay trở lại Huế trễ khoảng vài tháng; hoặc có đến cũng không “nhộn nhịp” như trước. Có thể phải mất thêm hơn một năm nữa, mới có thể chính thức sôi động trở lại. Với thời gian phục hồi dự kiến chậm, đòi hỏi quảng bá hình ảnh du lịch Huế, các gói kích cầu, sản phẩm… phải tốt, hấp dẫn hơn nữa.
Nắm bắt cơ hội mới
Thống kê gần đây của Tổng cục Du lịch, châu Âu dù có tổng dân số khoảng 750 triệu người, song lại là thị trường đi du lịch lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, năm 2017, khách châu Âu chiếm 31,7% tổng lượng khách quốc tế toàn thế giới; năm 2018, chiếm 45,8% tổng lượng khách quốc tế đến các nước đang phát triển với mức tăng trưởng 7,2%.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực là bước tiến dài trong hợp tác phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Được kỳ vọng mang tới cơ hội cho nhiều lĩnh vực, trong đó, có du lịch của Huế.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch đánh giá, đây chính là cơ hội mới, để ngành du lịch tiếp cận nguồn khách truyền thống ở châu Âu một cách sâu rộng, trực tiếp hơn. Trước đó, dù rất mong muốn quảng bá điểm đến, tăng cường thu hút đầu từ các thị trường châu Âu, nhưng nguồn lực còn khá hạn hẹp dẫn đến tần suất và hình thức tiếp cận của doanh nghiệp Huế chưa được mạnh mẽ.
Rõ ràng, EVFTA đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, nhất là triển khai hoạt động kinh doanh thông qua những cam kết, ưu đãi đối với các loại hình dịch vụ, như khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch.
Theo Sở Du lịch, châu Âu đang là thị trường truyền thống, duy trì lượng khách ổn định đến Huế suốt nhiều năm qua. Lợi thế của Huế đang là điểm đến được du khách châu Âu yêu thích nhờ sự đa dạng, phong phú của văn hóa, cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện… Với những lợi thế này, Huế đang tiếp tục hướng đến dòng khách châu Âu, dòng khách có thời gian du lịch kéo dài và có mức chi tiêu cao, sau thời kỳ hậu dịch bệnh.
Một điều có thể tin tưởng là khi đã hợp tác sẽ hình thành một loạt các cơ chế tốt về ngoại giao, thương mại và du lịch. Trước hết, cần tận dụng các mối quan hệ để cùng quảng bá hình ảnh. Quan trọng hơn là ký kết các hợp đồng thương mại và thu hút thêm các nhà đầu tư từ châu Âu. Hợp tác kinh doanh hai chiều trong lĩnh vực du lịch là cơ hội mở cho Huế nếu chủ động nắm bắt tốt.
Để nhanh chóng đón đầu cơ hội từ EVFTA đối với lĩnh vực du lịch, lãnh đạo ngành du lịch khẳng định, Huế sẽ nghiên cứu kỹ các cam kết; nắm rõ một số đặc điểm về thể chế chung của EU cũng như chính sách đối với việc mở cửa, quản lý thị trường, yêu cầu quản lý văn hóa, quy tắc thương mại, dịch vụ. Nhất là tìm hiểu văn hóa, nắm được thị hiếu, nhu cầu một cách sâu sắc nhất của thị trường khách châu Âu để có định hướng chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm phù hợp.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Theo: báo TT Huế