Đa dạng hóa loại hình du lịch, UBND TP. Huế và các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển tour du lịch tham quan làng nghề truyền thống.
Du khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đồ gỗ nội thất tại Festival Nghề truyền thống 2019
Cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn ở số 8 Huyền Trân Công Chúa, TP. Huế không chỉ là nơi thường xuyên cho ra đời những mẫu tượng, chuông kích cỡ lớn cho các khách hàng trong và ngoài nước mà giờ đây, còn tạo ra những sản phẩm lưu niệm, quà tặng mỹ nghệ từ chất liệu đồng. Nằm trên tuyến đường dẫn đến các lăng, đền ở Huế nên đây là địa điểm tham quan lý tưởng của các đoàn khách trong tour du lịch Huế.
Theo ông Sơn, khách du lịch đến tham quan, xem các công đoạn của nghề đúc và sau đó lựa chọn các mẫu lưu niệm để làm quà. Nghề đúc đang hồi sinh khi các cơ sở liên tục thụ hưởng các nguồn vốn khuyến công để đầu tư máy móc, cải tiến mẫu và nhận các mô hình mô phỏng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Huế để sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau thành công từ các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, nhiều làng nghề trên địa bàn bắt đầu hồi sinh và thu hút khách, nhiều sản phẩm làng nghề đã sống dậy, như đồng mỹ nghệ, mây tre đan, pháp lam, tranh thêu, áo dài… Thông qua các doanh nghiệp lữ hành, du khách có dịp trải nghiệm các cơ sở thuê, may áo dài lấy nhanh, kim hoàn, tăm hương, pháp lam…
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế Phạm Thị Quỳnh Dao thông tin, hiện trên địa bàn có 1 làng nghề và 11 nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; 4 nghề sản xuất hàng đặc sản Huế. Trong đó, tổng số cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đặc sản Huế hơn 600 cơ sở.
Theo bà Dao, quá trình hội nhập và phát triển, một số ngành nghề truyền thống Huế đang đứng trước những khó khăn. Vì vậy, để khôi phục và phát triển nhiều năm qua thành phố đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị, thiết kế mẫu và quảng bá thương hiệu, đồng thời ưu tiên quỹ đất để hình thành Cụm công nghiệp và làng nghề An Hòa, các trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống để giới thiệu sản phẩm truyền thống thu hút khách. Một trong những giải pháp để phát triển sản phẩm làng nghề là hình thành đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu…
Tính đến nay, thành phố đã triển khai 6 mô hình ứng dụng công nghệ và thiết bị máy móc tiên tiến vào các nghề, làng nghề nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nghề truyền thống với số vốn được hỗ trợ gần 700 triệu đồng. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả và thúc đẩy việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống như ứng dụng công nghệ đúc đồng mẫu chảy vào sản xuất sản phẩm pháp lam của Công ty TNHH Pháp Lam Thái Hưng, ứng dụng máy khắc CNC vào sản xuất mộc mỹ nghệ của cơ sở Thái Vinh, ứng dụng máy 3D trong việc sản xuất đúc đồng mỹ nghệ, ứng dụng máy khắc laser trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre…
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, để tạo ra sản phẩm riêng có cho Huế, năm 2020, thành phố tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản; đầu tư, nâng cấp các tuyến phố đi bộ, chợ đêm gắn với các hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm ở trung tâm đô thị Huế; khai thác có hiệu quả tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kết nối với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, đường đi bộ trên sông Hương nhằm phát huy giá trị bản sắc văn hóa, tôn giáo, làng nghề, cảnh quan nhằm phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Bài, ảnh: Liên Minh
Nguồn: báo TT huế