Được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Du lịch, Diễn đàn Du lịch cấp cao lần 2 – 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công – tư quy mô quốc gia nhằm đưa ra sáng kiến, giải pháp khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu đưa du lịch Việt Nam thực sự cất cánh.
Phiên Toàn thể tại Diễn đàn Du lịch cấp cao lần II – 2019
Những bài toán của ngành Du lịch
Sau bốn chuyên đề chính của Diễn đàn gồm, “Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách”, “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách”, “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến”, “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch”, phiên toàn thể Diễn đàn lần 2 với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” đã có sự góp mặt của lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam đã được vinh danh là Điểm đến du lịch, Văn hóa, Ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Hạ tầng du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách du lịch, góp phần thay đổi hình ảnh và nâng cao chất lượng của du lịch Việt Nam, tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả nước. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức: nhiều chỉ số trong năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn ở mức thấp; nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế… Bộ VHTTDL kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Phiên toàn thể của Diễn đàn lựa chọn 2 chủ đề thảo luận với nhiều vấn đề nhỏ Để “Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” được đưa ra trao đổi, đối thoại. Với chủ đề “Một Việt Nam tươi đẹp – văn hóa đặc sắc – người dân thân thiện mến khách”, những nội dung thảo luận tập trung hướng tới mục tiêu cải thiện thứ hạng của du lịch Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu; giải pháp nhằm khai thác các thị trường khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; thu hút mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia các hoạt động quảng bá, trong đó có việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm… Chủ đề thứ hai tập trung xây dựng mối quan hệ hữu cơ và gắn bó chặt chẽ giữa ngành Hàng không và Du lịch, bao gồm các giải pháp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực đón tiếp, chất lượng dịch vụ hàng không tại các sân bay để tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng (giữa) tham dự Diễn đàn
Từng bước cải thiện thứ hạng của du lịch Việt Nam
Tại Diễn đàn, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings cho biết, với sự đóng góp của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, TAB đã tạo ra được một quỹ hơn 60 tỷ đồng cho công tác quảng bá, xây dựng trang web du lịch nhằm nâng tầm quảng bá du lịch Việt Nam. Hiện nay TAB đã cam kết đóng góp vào quỹ để thành lập 2 văn phòng tại Anh, Úc. “Đây là bước tiến lớn, góp phần cho du lịch Việt Nam cất cánh”, ông Ngô Minh Đức khẳng định.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình gợi mở thêm việc phát triển sản phẩm du lịch xanh, đáp ứng xu thế mới của du lịch, tăng cường hợp tác công tư để xây dựng, phát huy giá trị của những điểm du lịch… Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Bình cho rằng cần có sự phối hợp liên ngành để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin. “Việt Nam đã có những thành công trong việc áp dụng công nghệ, nhưng trong tương lai chúng ta cần coi đây là công cụ để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển như phát vé tự động, hướng dẫn du lịch bằng máy dịch tự động cho khách…”, ông nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và còn có ảnh hưởng lớn tới các ngành có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch như hàng không, bất động sản, thương mại – dịch vụ… Bởi thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bài toán nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các nền tảng công nghệ, liên kết và hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường là những vấn đề rất nóng trong nhiều ngành nhưng với du lịch – dịch vụ và hàng không càng quan trọng hơn.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), Diễn đàn đã đáp ứng vai trò là kênh kết nối, đối thoại công – tư hiệu quả chất lượng cho ngành Du lịch và các ngành có mối liên kết chặt chẽ với Du lịch như Hàng không, Dịch vụ, Bất động sản, Thương mại…, phù hợp với mục tiêu lớn nhất đặt ra cho Diễn đàn kinh tế Việt Nam ViEF và các Diễn đàn chuyên ngành trong khuôn khổ ViEF. Thông qua Diễn đàn, mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong nước – quốc tế, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước với giới chuyên gia, nghiên cứu, tư vấn… đã được nâng lên một bước. Nhiều sự hợp tác diễn ra trước, trong và sau Diễn đàn đều dự báo sẽ có kết quả đầu ra tốt đẹp.
Cần truyền cảm hứng cho du khách từ khẩu hiệu của điểm đến
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam thời gian qua đã thu được một số thành công nhất định nhưng vẫn được đánh giá là còn nhiều việc phải cải thiện. Tại phiên thảo luận chuyên đề “Để du lịch Việt Nam thật sự cất cánh”, một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đề cập là tổ chức lại hoạt động quảng bá, truyền cảm hứng cho du khách.
Một trong những nội dung được đóng góp nhiều ý tưởng tại Diễn đàn là logo và slogan của Du lịch Việt Nam. Từ năm 2000, Du lịch Việt Nam đã có logo và slogan, nhưng chưa thực sự gợi mở, chưa định vị được thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Theo ý kiến của một số đại biểu, bộ nhận diện thương hiệu du lịch của Việt Nam hiện nay chưa thực sự tạo được ấn tượng vì chưa thể hiện được nét văn hóa của người Việt, chưa thực hiện được chức năng mời gọi du khách. Theo bà Delilah – Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CNN, khẩu hiệu của du lịch Việt Nam hiện nay phù hợp với những người đã tới Việt Nam nhưng chưa thật sự thu hút, mời gọi được du khách đến vì nghĩa của câu khẩu hiệu này rất rộng. Bà Delilah cho rằng nên giữ lại khẩu hiệu này và cần có thêm câu khẩu hiệu ngắn gọn hơn, sâu sắc hơn để chỉ rõ những thế mạnh về văn hóa, di sản, ẩm thực… tại từng điểm đến, từng vùng miền. Bên cạnh đó cần phân loại khách hàng, du khách theo đúng phân đoạn để có thương hiệu nhận diện đặc trưng, bà Delilah gợi ý.
Ông Douglas Hainsworth – đại diện Dự án SSTP của Thụy Sĩ về nghiên cứu chiến lược Marketing cho du lịch Việt Nam cho rằng, logo, khẩu hiệu chính là công cụ xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên Việt Nam cần nhìn vào thị trường khách, cụ thể là những nhóm du khách có thu nhập cao, nền kinh tế phát triển… để xây dựng sản phẩm chào bán cho họ và từ đó mới xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm. Chúng ta có thể thấy Malaysia đã giữ thương hiệu 30 năm – tức là họ đã nhất quán trong xây dựng thương hiệu du lịch và chiến lược dài hơi. Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam nằm ở từ khóa cụ thể cho du lịch Việt Nam. Timeless charm là câu có nghĩa rộng nên làm cho khách hàng bối rối, song nhiều năm nay nó đã thành thương hiệu của du lịch Việt Nam. Dự án của chúng tôi đang nghiên cứu và năm sau chúng tôi sẽ có câu trả lời về vấn đề này, ông Douglas Hainsworth cho biết. Nhìn chung, đa số các đại biểu nhận định, tinh thần, văn hóa độc đáo của Việt Nam chưa thực sự thể hiện ở slogan hiện nay. Do đó cần đưa ra câu slogan thể hiện được tính độc đáo gắn với văn hóa là điểm nhấn của du lịch Việt Nam.
Nội dung đáng chú ý khác nữa tại Diễn đàn là sự phối hợp giữa các bên trong công tác quảng bá và truyền cảm hứng cho khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Hồ An Phong – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, Quảng Bình đã tập trung làm tốt 2 vấn đề đó là cách làm và ý tưởng. “Nếu có tiền nhưng không có ý tưởng cũng không biết làm gì và làm như thế nào” – ông Phong bày tỏ. Đánh giá về công tư trong phát triển du lịch, ông Phong nhấn mạnh, Quảng Bình luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Những ý tưởng của doanh nghiệp, của du khách đều được Quảng Bình ghi nhận và xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu của du khách. Để thu hút du khách đến, Việt Nam cần chủ động quảng bá, kết nối các bên để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách. Trong đó TCDL cần phải thiết lập và vận hành hiệu quả các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Vietnam Airlines có 23 văn phòng đại diện nhưng ngành Du lịch chưa có văn phòng, đây là một trong những hạn chế.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu tại Phiên thảo luận về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn. Những kinh nghiệm được chia sẻ và những ý tưởng sáng tạo liên quan đến xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam, chiến lược marketing, tổ chức truyền thông, tạo nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá… tại Diễn đàn sẽ được tiếp thu một cách cầu thị. Tinh thần Việt Nam, những giá trị của Việt Nam đang có và sẽ có cùng sự vào cuộc của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan truyền thông… sẽ mở ra những triển vọng, thành tựu mới của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách
Phát biểu tại phiên chuyên đề 2 của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần thứ 2, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, để có thể nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành Du lịch phải cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách nhằm tối ưu hóa mọi hoạt động, góp sức cho du lịch Việt Nam có những bước chuyển mạnh mẽ để hội nhập nhanh vào dòng chảy của thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập sâu rộng.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại Phiên chuyên đề Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách
Theo bà Emely Nguyễn – Giám đốc kinh doanh Google tại Việt Nam, để đạt được sự tăng trưởng trong thời đại công nghệ 4.0 cần lưu ý đánh giá hành vi khách du lịch. Bà Emely Nguyễn phân tích, khách du lịch ở mỗi quốc gia có sự khác biệt, có nhu cầu khác nhau từ ý tưởng, thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch và đặt dịch vụ… Do vậy, để hỗ trợ khách hàng cần phải cung cấp những thông tin, dịch vụ phù hợp. Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Wendy Wu Tour (Úc) Wendy Wu cho biết, trước đây Wendy Wu Tour chỉ quan tâm nhiều tới việc chăm sóc, tạo điều kiện cho khách có những chuyến đi thoải mái. Hiện nay, chúng tôi thấy cần phải thay đổi để tạo cho khách có nhiều thông tin, xây dựng kế hoạch, chăm sóc khách hàng và tác động đến quá trình ra quyết định của khách. Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Châu Á – Tổng Giám đốc Oxalis Adventure cho biết, Oxalis Adventure có riêng nhân viên trực tiếp tư vấn cho khách về điểm đến, dịch vụ, an toàn, môi trường…
Cũng tại phiên thảo luận chuyên đề lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách, ông Kenneth Atkinson – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề visa, trong đó vấn đề về các trang web giả, phí dịch vụ làm visa quá cao so với thực tế. Ông Kenneth Atkinson cho rằng cần có những thông tin kịp thời về trang web giả; tăng tốc độ truy cập trang web từ Việt Nam; thông tin hỗ trợ khách… vì đây là một trong những điểm quan trọng để thu hút khách đến Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm đến hạ tầng sân bay, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nâng cao ý thức người dân tại điểm đến, ứng dụng công nghệ để du khách có thông tin đa dạng hơn… Đối với những đề xuất liên quan đến visa, ông Nguyễn Văn Minh – đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng công nghệ trong cấp visa, thị thực điện tử, thu phí tự động, miễn visa một số quốc gia, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến
Tăng cường sản phẩm du lịch, cải thiện hạ tầng, đảm bảo môi trường du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin là 5 giải pháp cơ bản được đưa ra thảo luận tại phiên chuyên đề “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” – hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 – 2019 được tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mạnh với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016- 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,8%.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cho rằng, “nếu như không có điểm bất thường thì năm 2019 du lịch Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch là đón 18 triệu lượt khách quốc tế”. Theo Phó Tổng cục trưởng, điểm nổi bật của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn này là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển sản phẩm, quảng bá, xúc tiến du lịch. Cùng với đó là sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tạo nên các sản phẩm du lịch đẳng cấp, điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó chính là đòn bẩy thúc đẩy du lịch trong cả nước cũng như từng địa phương phát triển trong thời gian vừa qua.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại Phiên chuyên đề Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến
“Chính sự kỳ vọng, niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ lớn hơn cho ngành Du lịch. Đó là những yêu cầu tất yếu đòi hỏi ngành Du lịch phải phát triển toàn diện, trong đó việc cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực đầu tư”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung khẳng định.
Tham gia chuyên đề này, đại diện chính quyền, hiệp hội du lịch các địa phương điển hình về quản lý điểm đến, lãnh đạo các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, cùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh, ngành Du lịch cần tìm giải pháp để tăng cường trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến. “Cải thiện trải nghiệm du khách tại điểm đến đồng nghĩa với việc tăng mức độ hài lòng của du khách”, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài bày tỏ. Quá trình nâng cao trải nghiệm đòi hỏi sự tham gia liên ngành liên quan đến hạ tầng, an toàn giao thông, thủ tục visa, môi trường… Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần giải quyết sự thiếu hụt dịch vụ mua sắm, giải trí, những sản phẩm đặc trưng quốc gia và nhất là phát triển kinh tế đêm. Bà Nguyễn Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong những năm vừa qua, Quảng Ninh đã chủ động, tích cực đa dạng hóa sản phẩm ngoài điểm nhấn di sản thế giới vịnh Hạ Long như sản phẩm biển đảo tại vịnh Bái Tử Long, phát triển du lịch vùng biên giới, du lịch cộng đồng các dân tộc, du lịch nông nghiệp gắn với phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển tour mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, casino phục vụ đa dạng các dòng khách trong nước và quốc tế. Một giải pháp mang tính kỹ thuật được ông Kai Partale – chuyên gia du lịch đề xuất là nghiên cứu thí điểm bộ chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến tại Việt Nam (VTCI) với nhiều tiêu chí đánh giá cụ thể. VTCI nhằm cung cấp cho ngành Du lịch công cụ để theo dõi các tiêu chí về du lịch và lữ hành và hỗ trợ các Bộ, chính quyền và các tỉnh trong việc cải thiện trải nghiệm cho du khách tại điểm đến…
Nhóm phóng viên thực hiện
Nguồn: báo du lịch việt nam