Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch lo lắng, nếu những đối tượng sử dụng thẻ hướng dẫn viên (HDV) giả để hành nghề sẽ dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Việc kiểm soát hướng dẫn viên sử dụng bằng giả không phải dễ (Ảnh minh họa)
Khó phát hiện
Sau những thông tin được cung cấp của Sở Du lịch và qua quá trình điều tra, cuối tháng 10/2019 vừa qua, Công an tỉnh đã khởi tố 7 đối tượng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả để làm thẻ HDV du lịch quốc tế. Theo Sở Du lịch, đây là sự việc hết sức bất thường, gây ra nhiều lo lắng đối với ngành du lịch vì chứng chỉ tiếng Anh IELTS lâu nay được xem không thể làm giả, nhưng thực tế đã có làm giả.
Ông Lê Hữu Minh thông tin, nửa đầu năm 2019, nhiều người sinh sống và có bằng đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhưng lại ra Huế để làm hồ sơ cấp thẻ HDV. Đây là điều khá bất thường, bởi cơ quan quản lý du lịch địa phương nào cũng có chức năng cấp thẻ HDV, nghi vấn được đặt ra là vì sao những người này lại ra tận Huế để làm hồ sơ.
“Trong quá trình thẩm định các hồ sơ, hầu hết chứng chỉ IELTS là do Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam cấp. Để đảm bảo việc cấp thẻ đúng, sở đã có văn bản gửi Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đề nghị xác minh tính hợp pháp của chứng chỉ IELTS. Sau đó, công ty này đã có văn bản trả lời, xác nhận trong hệ thống lưu trữ không có thông tin của các thí sinh trên. Nhận thấy sự việc khá phức tạp, khả năng ảnh hưởng đến ngành du lịch nên sở đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để có những điều tra, xác minh tiếp theo”, ông Minh thông tin.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, sẽ rất khó để phát hiện những đối tượng sử dụng thẻ HDV giả, vì qua cảm quan bằng mắt thường sẽ không thể phân biệt. Hay cả việc sử dụng các chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cũng rất tinh vi. Mới đây, sở nhận được thông báo từ một tỉnh ở khu vực miền Tây Nam bộ có một lái xe sử dụng chứng chỉ do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cấp, dù lớp bồi dưỡng lái xe chỉ mới tổ chức xong 2 ngày trước. Chứng chỉ giả này trông không khác nhiều so với chứng chỉ thật, bằng mắt thường rất khó phân biệt.
Về quản lý HDV hiện nay, ông Lê Hữu Minh thừa nhận, còn khá nhiều bất cập và lỏng lẻo. Dù quy định về điều kiện hành nghề HDV được siết chặt hơn, nhưng trên thực tế nhiều HDV tự do vẫn chưa vào hội nghề nghiệp nên càng khó để quản lý, dẫn đến khó phát hiện những trường hợp HDV sử dụng bằng giả.
Nhóm đối tượng sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ giả vừa mới bị khởi tố vừa qua thừa nhận đã có nhiều người mua chứng chỉ, vì thế hiện không biết bao nhiêu HDV giả đang hành nghề trái quy định.
Với hướng dẫn viên không đạt chuẩn, lo sợ nhất là hướng dẫn thiếu thông tin (Ảnh minh họa)
Siết chặt quy trình cấp
Theo ông Lê Hữu Minh, điều lo lắng nhất khi những HDV sử dụng bằng giả mà có tham gia hành nghề chính là chất lượng hướng dẫn và nguy cơ lợi dụng nghề để làm những việc xấu. Một HDV có trình độ ngoại ngữ không đảm bảo chắc chắn sẽ có vấn đề, thông tin cung cấp cho khách cũng khó chính xác.
Đối với các HDV được đào tạo bài bản, đúng quy trình sẽ được trang bị khá đầy đủ kiến thức, không chỉ có lĩnh vực du lịch mà kiến thức nền về chính trị, kinh tế, xã hội của điểm đến. Nếu một HDV không được học, không qua các kỳ thi sát hạch chắc chắn sẽ không có thông tin chính thống. Từ kiến thức không đủ cung cấp cho du khách, hoặc thiếu thông tin sẽ làm cho du khách hiểu sai về vùng đất, điểm đến. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo lãnh đạo ngành du lịch, trước tình hình nhu cầu về HDV đang lớn, sẽ dẫn đến tình trạng các Suiting guide (HDV có thẻ, những chỉ ngồi trên xe hoặc đi cùng để người nước ngoài hướng dẫn) từ việc HDV sử dụng bằng giả càng lớn, dẫn đến nguy cơ sai lệch thông tin tăng lên. Hay trong quá trình hành nghề, nguy cơ lừa đảo, thả khách cũng cao hơn so với HDV chính thống. Được xem là “đại sứ” của du lịch, người HDV không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng người HDV chung.
Ông Lê Hữu Minh khẳng định, sau khi phát hiện hàng loạt trường hợp vừa qua, khoảng 2 tháng gần đây ghi nhận tình trạng sử dụng chứng chỉ giả không còn. Thời gian đến, ngành sẽ siết chặt hơn ở khâu thẩm định hồ sơ, nhất là chứng chỉ ngoại ngữ, đảm bảo việc cấp thẻ đúng quy định và đúng người được đào tạo.
Theo Luật Du lịch 2017, hồ sơ cấp thẻ HDV quốc tế gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác, nhưng phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế.
Về giấy tờ chứng minh điều kiện về trình độ ngoại ngữ, cần có một trong các giấy tờ: bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành ngoại ngữ; bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên theo chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài; bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài; chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ bậc 4 trở lên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc B2 trở lên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu, còn thời hạn hoặc được cấp trong vòng 05 năm đối với chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ không quy định thời hạn, do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn: báo TT huế