Mã Pì Lèng là một trong những cung đường nguy hiểm nhưng đầy thu hút với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với núi đá nhấp nhô, trùng điệp bên dưới là dòng sông Nho Quế xanh ngắt cùng hẻm vực Tu Sản đầy thách thức. Nơi đây là một trong những địa điểm được các bạn trẻ yêu thích nhất khi tới Hà Giang.
Mã Pì Lèng được coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin, và là một trong những cung đường mơ ước của mọi phượt thủ.
Mã Pì Lèng – cung đường huyền thoại
Đèo Mã Pì Lèng, theo âm tiếng H’Mông là Mả Pí Lèng là đèo trên quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.
Đèo Mã Pì Lèng là cung đường hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pì Lèng cao khoảng 1.200m thuộc cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Không chỉ là cung đường đẹp, hấp dẫn, đây còn là đoạn đường lịch sử được tạo nên từ công sức lao động của hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Đứng trên Mã Pì Lèng, du khách được nhìn ngắm khung cảnh núi non bất tận của cao nguyên núi đá, ngay bên dưới là dòng sông Nho Quế uốn lượn, quanh co.
Cách di chuyển
Để đến Mã Pì Lèng, bạn có thể di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy.
Nếu đi xe khách, từ Hà Nội, bạn có thể liên hệ với các nhà xe xuất phát từ bến xe Mỹ Đình để lên Hà Hà Giang, sau đó tiếp tục thuê xe máy từ Hà Giang để khám phá Mã Pì Lèng.
Còn nếu bạn là người yêu thích mạo hiểm cũng như tự tin vào tay lái của mình thì có thể di chuyển bằng xe máy cho suốt hành trình Hà Nội – Hà Giang – đèo Mã Pì Lèng. Cung đường dành cho xe máy bạn có thể tham khảo:
Cung đường 1: Hà Nội – Sơn Tây – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng – rẽ đi Tuyên Quang – Tuyên Quang – đi theo hướng quốc lộ 2 đến Hà Giang.
Cung đường 2: Hà Nội – Đi cầu Thăng Long – rẽ sang Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang.
Cung đường từ Đồng Văn đến Mèo Vạc và qua đèo Mã Pí Lèng có chiều dài khoảng 25 km. Bạn có thể đi xe máy hay thuê xe ô tô hoặc taxi, đi tour ô tô để tham quan đèo nhưng trải nghiệm tuyệt vời nhất vẫn là đi xe máy. Tuy nhiên, tay lái của bạn hoặc người lái phải thật cứng vì có nhiều đoạn cua và dốc.
Nếu muốn tự lái xe, bạn có thể thuê xe ở Hà Giang hoặc ở Đồng Văn để tham quan giá khoảng 150K/ngày và nên chọn xe số chứ không phải xe ga.
Xem thêm: Tour du lịch Đông Tây Bắc |
Nét hấp dẫn của Mã Pì Lèng
Cung đường quanh co, hiểm trở và thiên nhiên hùng vĩ
Được mệnh danh là cung đường huyền thoại cũng là con đường mà bất cứ ai mê phượt cũng muốn chinh phục, Mã Pì Lèng có sự hoang sơ, hiểm trở và thu hút lạ kì, với những đoạn đường dốc, khúc cua hiểm trở, chênh vênh bên lưng núi giữa mây mù.
Dọc đường đi, du khách sẽ được thấy những dãy núi đá tai mèo cao vút, đủ hình thù, nhấp nhô đan xen nhau với những mảng màu xanh, xám của đá và thiên nhiên núi rừng.
Đi hết Con Đường Hạnh Phúc, dừng chân tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, du khách được tận mắt ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên Hà Giang. Những ngọn núi đan xen bên những cao nguyên đá, cùng dòng sông Nho Quế xanh ngắt như vẽ lên một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp giữa không gian bao la của đất trời.
Khám phá hẻm vực Tu Sản, ngồi thuyền trên sông Nho Quế
Từ cuối cung đèo Mã Pí Lèng lối gần Mèo Vạc, trên con đường về Xín Cái, Săm Pun, Sơn Vỹ, du khách sẽ xuống tới cầu Tràng Hương, gần với dòng sông Nho Quế xanh ngắt. Từ đây, ngồi thuyền khoảng 20 phút là du khách có thể đến được khu vực giữa hẻm vực Tu Sản.
Hẻm vực Tu Sản là hẻm vực trên sông sâu nhất Việt Nam và được gọi là “Đệ nhất hùng quan” với chiều cao vách đá lên tới 700–800m, chiều dài 1,7km, sâu 700–900m. Địa điểm này thuộc xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trên sông Nho Quế đoạn qua điểm dừng chân Đèo Mã Pì Lèng.
Hẻm vực này tuy dốc, hoang sơ, khó tiếp cận nhưng lại là địa điểm luôn có mặt trên chuyến hành trình khám phá đèo Mã Pì Lèng của bất cứ ai. Tới hẻm Tu Sản, du khách được ngồi cano hoặc thuyền đi ngược dòng sông Nho Quế xanh ngắt, trong khi xung quanh là những vách núi dựng đứng cùng bầu trời cao, xanh vời vợi.
Đặc sản thơm ngon
Đến Mã Pì Lèng, du khách không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn của người dân nơi đây như thắng cố, thịt trâu gác bếp, cơm lam hay xôi ngũ sắc… Đây đều là những món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng tây Bắc nói chung và người dân Hà Giang nói riêng.
Kinh nghiệm chinh phục đèo Mã Pì Lèng
Thời gian
Hà Giang với núi non trùng điệp, mỗi mùa, mỗi tháng đều có những nét đẹp riêng.
Thời điểm trước và sau tết âm lịch (tháng 1 và tháng 3) là thời điểm mọi người du xuân, ngắm cảnh, cũng là lúc hoa mai, hoa mận, hoa đào ở Tây Bắc nở rộ. Đến Mã Pì Lèng lúc này, du khách được đắm mình trong khung cảnh mùa xuân tươi tốt, rực rỡ, tràn đầy sức sống.
Sang tháng 4, đến Hà Giang phượt Mã Pì Lèng du khách còn có cơ hội tham gia chợ tình Khâu Vai, để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc nơi đây. Phiên chợ là nơi những cặp đôi yêu thương nhau nhưng không có duyên nên vợ chồng gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Tháng 5 là mùa nước đổ ải, là thời điểm bà con nơi đây dẫn nước từ khe sông, khe suối đến các thửa ruộng bậc thang để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Vào thời điểm này, Hà Giang trở nên rực rỡ và cuốn hút với vẻ đẹp của sự hùng vĩ, tươi tốt của những dòng nước lấp lánh đổ xuống từ những sườn núi, sườn đồi.
Tháng 6 đến tháng 8 là mùa hè ở Hà Giang, thời tiết không quá nóng và là thời điểm lý tưởng để chinh phục những cung đường quanh co, uốn lượn và khám phá cao nguyên đá.
Tháng 9, mùa lúa chín về ở Hà Giang, cả một vùng chuyển màu rực rỡ với những thửa ruộng bậc thang đầy lúa chín. Dọc đường lên đèo Mã Pì Lèng, du khách được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ xen lẫn màu vàng óng của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang.
Tháng 10 và tháng 11, Hà Giang nổi tiếng với những cánh đồng hoa tam giác mạch. Những cánh hoa li ti, đung đưa trong gió trên những cánh đồng hoa bất tận khiến khung cảnh nơi đây thêm phần thơ mộng, yên bình.
Tháng 12, trời trở lạnh cũng là lúc những bông hoa cải vàng nở rộ, đem sắc vàng phủ kín những cao nguyên đá. Từ những đoạn đường đèo hiểm trở đến những lối nhỏ dẫn vào bản vào làng, ở đâu đâu du khách cũng sẽ thấy những bông hoa cải vàng rực rỡ.
Lưu ý khi đến đèo Mã Pì Lèng
Nếu muốn chinh phục Mã Pì Lèng bằng xe máy, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo an toàn cũng như tránh các trục trặc trên đường đi, nhớ đem theo giấy tờ xe, xăng dự trữ, dụng cụ sửa xe cơ bản.
Đi lên Mã Pì Lèng bạn nên chọn những bộ quần áo thoải mái, co giãn tốt, thuận tiện cho việc đi lại. Vào mùa hè, bạn nên mặc quần áo thoáng mát, đem theo một chiếc áo khoác mỏng và nên mặc quần áo dài tay để tránh bị côn trùng đốt. Còn nếu đến Mã Pì Lèng vào mùa đông bạn cần chuẩn bị áo ấm, găng tay, khăn len, áo giữ nhiệt vì ở trên cao nhiệt độ khá thấp.
Bạn cũng nên chọn những đôi giày thể thao, giày leo núi có chất lượng tốt, chống trơn và mềm để không bị đau chân khi đi lại, và nhớ đem theo thuốc, đồ cứu thương gọn nhẹ phòng những trường hợp cần thiết.
Oanh Vũ – dulichvietnam.com.vn
Theo Báo Thể thao Việt Nam
Nguồn: Báo du lịch việt nam