Khát vọng đổi đời của cư dân đầm phá

TTH – Trải qua năm tháng gian khó bởi chiến tranh, bão lũ, giờ đây đời sống cư dân vùng đầm phá của tỉnh đã ổn định, hướng đến xây dựng cuộc sống mới.

Bắt đầu từ con tôm

Gắn bó với vùng đầm phá từ nhỏ đến nay ngót nghét 60 năm, ông Nguyễn Thanh Sơn (70 tuổi) ở xã Quảng Công (Quảng Điền) nếm trải bao “ngọt, đắng” nơi vùng quê này. Chưa hết nỗi đau chiến tranh, người dân vùng đầm phá quê ông lại gánh nặng những mất mát vì bão, lũ. Chỉ sau một đêm, bão 1985 gần như “xóa sổ” hoàn toàn mọi nỗ lực gầy dựng của người dân trong 10 năm kể từ sau chiến tranh đi qua.

“Hệ đầm phá Tam Giang rộng lớn với nhiều tiềm năng nhưng người dân chỉ loay hoay chuyện đánh bắt cá tôm, ngư cụ lạc hậu nên sản lượng, thu nhập hằng ngày chẳng được là bao. Một thời nguồn lợi thủy sản bị khai thác đến suy kiệt do giã cào trái phép, nghề lừ mắt lưới nhỏ gần như hủy hoại nguồn sinh kế của người dân”, ông Sơn trăn trở.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu ở nhiều nơi, ngành thủy sản hỗ trợ người dân triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm sú đầu tiên tại vùng đầm phá Quảng Công. Kết quả ngoài mong đợi, người dân tự tin nhân rộng diện tích nuôi tôm sú lên 2 ha vào năm 1988 và 20 ha vào năm 1989. Cư dân vùng đầm phá Quảng Công, chủ yếu gần 40 hộ ở thôn 14 thoát nghèo, làm giàu từ nuôi tôm sú.

Không chỉ người dân đầm phá Quảng Điền mà cả các huyện Phú Vang, Phú Lộc… đến học tập mô hình nuôi tôm sú tại Quảng Công với khát vọng đổi đời. Từ năm 1990-1995 trở đi, phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh tại các vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, ông Phạm Văn Tần khẳng định, đời sống cư dân vùng đầm phá của tỉnh thật sự thoát nghèo, vươn lên khá giả bắt đầu từ nghề nuôi tôm sú và các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, kết hợp đánh bắt trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch

Mục tiêu của tỉnh tập trung đầu tư phát triển vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh. NTTS kết hợp du lịch được xác định ngành kinh tế chủ lực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, đưa nền kinh tế vùng đầm phá của tỉnh trở thành một trong những khu vực có kinh tế phát triển mạnh của cả nước (theo Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang đánh giá, NTTS được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Tuy nhiên, những năm gần đây, ảnh hưởng BĐKH, thời tiết diễn biết bất thường, nắng hạn kéo dài khiến nghề NTTS lâm vào cảnh khó khăn. Thêm vào đó, hạ tầng NTTS chưa đáp ứng trước yêu cầu mới nên hiệu quả sản xuất chưa tương xứng tiềm năng.

Ngành thủy sản tỉnh cùng với các địa phương đang nghiên cứu các biện pháp ứng phó, trong đó tham mưu tỉnh, Trung ương đầu tư hạ tầng NTTS hoàn thiện, bền vững; chọn các đối tượng, kích cỡ con giống và cơ cấu khung lịch thời vụ phù hợp từng đối tượng nuôi trong điều kiện BĐKH.

NTTS kết hợp khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng và dịch vụ trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội các vùng đầm phá được xác định là một trong những hướng đi tất yếu, phù hợp trước yêu cầu mới.

Tại huyện Quảng Điền, bước đầu hình thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, kết hợp các dịch vụ giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ tại khu vực Cồn Tộc. Vùng đầm phá Phú Vang, Phú Lộc… cũng đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái, dịch vụ bước đầu khai thác có hiệu quả.

Một trong những định hướng của tỉnh là tập trung đầu tư khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái trong vùng bảo tồn thiên nhiên ngập nước tại cửa sông Ô Lâu, tràm chim Bắc Biên, Rú Chá…; kết hợp xây dựng hệ thống khu nghỉ dưỡng đặc trưng tại Ngũ Điền, Quảng Công, Mũi Né, ven đầm Cầu Hai và du lịch cộng đồng theo hình thức trải nghiệm từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, văn hóa – lễ hội truyền thống cư dân vùng sông nước.

Tại cuộc họp về phát triển kinh tế, xã hội vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai đầu năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ có các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng; đồng thời tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phối hợp với các nhà khoa học đến nghiên cứu đầu tư các dự án liên quan thủy sản, du lịch; kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo tính bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái cho vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trải dài 68 km với diện tích mặt nước khoảng 22 nghìn ha, thuộc địa phận các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và TX. Hương Trà (dân số chiếm 33% dân số toàn tỉnh). Đến nay, toàn tỉnh đã khai thác phát triển kinh tế với diện tích trên 7.000 ha. Trong đó NTTS nước mặn, lợ ven phá và trên phá (nuôi xen ghép) khoảng trên 4.700 ha. Toàn tỉnh thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản đầm phá với tổng diện tích 614,2 ha; cấp 45 quyền khai thác thủy sản với diện tích 15.500 ha mặt nước đầm phá…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn: báo TT huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *