Vận chuyển là một trong những dịch vụ quan trọng nhất trong ngành du lịch; tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ này ở Huế vẫn chưa tương xứng với sự tăng trưởng về lượt khách đến Huế.
Bị động trong nguồn khách
Theo thống kê, khi đi du lịch, du khách phải chi một khoản phí không nhỏ cho dịch vụ vận chuyển, chiếm khoảng 20% trong tổng mức chi tiêu của du khách cho mỗi chuyến đi. Do đó, dịch vụ vận chuyển được xem là một trong ba dịch vụ quan trọng nhất của du lịch, cùng với lữ hành và lưu trú.
Cảng Chân Mây ngày càng có thêm nhiều tàu lớn cập cảng, là điều kiện tốt để phát triển dịch vụ vận tải du lịch. Ảnh: M.LÊ
Quan trọng như thế, tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển du lịch ở Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với sự tăng trưởng về lượt khách đến Huế trong những năm qua. Sở Du lịch cho biết, hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ vận chuyển du lịch ở Huế còn rất ít. Số lượng các phương tiện cũng không nhiều. Vận chuyển ở Huế hiện chủ yếu phục vụ khách ở Huế đi tham quan du lịch các điểm ngoại tỉnh lân cận, hoặc một số ít du khách đến Huế trực tiếp bằng đường hàng không.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist thẳng thắn, chỉ xét khách đến Huế từ cảng Chân Mây, nếu khoảng 1.000 khách muốn lên TP. Huế tham quan thì ở Huế không đủ số lượng xe để phục vụ. Do đó, phần lớn khách đến cảng Chân Mây được dịch vụ vận chuyển từ Đà Nẵng ra đón và phục vụ, kể cả lên Huế.
Tại các Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng, Bến thuyền Tòa Khâm, đa số xe đậu đỗ ở đây đều là biển số ngoại tỉnh, xe biển số ở Huế chiếm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, vào những ngày cuối tuần, hay lễ tết, các bến xe du lịch đều quá tải.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel phân tích, dịch vụ vận chuyển ở Huế chưa phát triển là bởi không chủ động được nguồn khách khi đến Huế. Hiện nay, đa số khách đến miền Trung đều đi bằng đường hàng không ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Vì thế, dịch vụ vận chuyển ở đây chi phối lại các khu vực khác, kéo theo dịch vụ vận chuyển ở Huế thiếu sự chủ động trong phát triển.
Chẳng hạn như khách Hàn Quốc, mỗi ngày đến Huế đến vài nghìn lượt đều thông qua Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Để cung ứng đủ số phương tiện có thể lên đến cả 100 chiếc xe khách loại 45 chỗ ngồi, song do khách xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng nên các nhà xe ở Huế có muốn cũng khó phục vụ vận chuyển.
Khuyến khích phát triển
Để tăng thương hiệu cho dịch vụ vận chuyển ở Huế, thời gian qua, từ những phương tiện đơn lẻ, các xe đã hợp tác lại thành những hợp tác xã, nên phần nào có thể cung ứng và phục vụ được nhiều du khách, nhiều xe hơn khi đối tác cần.
Mỗi dịp lễ tết, các bến xe du lịch luôn quá tải, nhưng xe biển số Huế rất ít. Ảnh: Đ.QUANG
Nguồn khách vẫn quan trọng hơn cả để dịch vụ vận chuyển du lịch phát triển. Khách từ hai đầu phải đến trực tiếp Huế. Làm được điều này, doanh nghiệp lữ hành Huế phải lớn mạnh hơn, đủ sức đưa khách về cho Huế. Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa là điểm đến của Huế cần hấp dẫn hơn nữa, có sức cạnh tranh lớn hơn để lữ hành hai đầu chọn Huế là điểm đến đầu tiên của du khách khi đến miền Trung.
Sự liên kết giữa dịch vụ vận chuyển và doanh nghiệp lữ hành cần được thực hiện tốt hơn nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Tránh tình trạng khi nguồn khách không ổn định thì hạ giá dịch vụ để cạnh tranh thiếu lành mạnh và làm giảm chất lượng dịch vụ, mất lòng tin đối với du khách.
Ngoài những phương tiện vận chuyển loại lớn, một giải pháp được đề cập, ở trung tâm TP. Huế là cần đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển khách du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài xích lô, xe đạp… Huế cũng cần đẩy mạnh hơn về vận chuyển khách bằng xe điện, hướng đến điểm đến du lịch xanh, bảo vệ môi trường.
Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, đối với lái xe và phụ xe phục vụ khách du lịch, ngoài những yêu cầu chung về chuyên môn, cần phải được đào tạo thêm kỹ năng phục vụ khách, tiếng Anh giao tiếp và có thể cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Chuyên nghiệp hóa trong phục vụ khách sẽ góp phần nâng cao uy tín cho ngành du lịch Huế, cũng là điều kiện cần thiết để các lữ hành chọn dịch vụ vận chuyển ở Huế.
Theo Hội Lữ hành tỉnh, để hoạt động vận chuyển du lịch đi vào quy củ, có sự kiểm soát về chất lượng, Huế cần hướng đến thành lập Hiệp hội doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch. Hiệp hội sẽ bảo vệ quyền lợi và góp phần thúc đẩy sự phát triển số lượng cũng như chất lượng của dịch vụ. Qua đó, có thể đề xuất những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển đầu tư thành lập mới, hoặc mở rộng quy mô.
ĐỨC QUANG
Nguồn: báo TT huế