Sau những sản phẩm du lịch được tái hiện như phiên chợ vùng cao, tục đi sim của đồng bào… thì nay, lễ cưới cổ xưa của người Pa Cô cũng được ngành văn hóa huyện A Lưới nghiên cứu, phục dựng trở thành sản phẩm du lịch mới ở địa phương này.
Tái hiện nghi lễ mẹ chồng đón nàng dâu
Căn nhà sàn và các lễ vật được dàn dựng đúng nguyên bản với lễ cưới xưa cổ của người Pa Cô. Chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống với vai diễn cô dâu, chú rể cùng họ hàng hai bên trình diễn hết khả năng để tái hiện đúng các nghi lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số thời xa xưa. Lễ cưới có từ lâu đời của người Pa Cô lần đầu tiên được đồng bào ở A Lưới tái hiện nguyên bản, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.
Chị Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện A Lưới say sưa kể về quá trình tìm hiểu, phục dựng lại lễ cưới xưa cổ của người Pa Cô mà chị tâm huyết thực hiện. “Đối với người Pa Cô, khi con trai, con gái đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, gia đình bắt đầu chuẩn bị các lễ vật truyền thống. Đối với nhà trai cần có tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, áo quần, thau, chiếu… Đối với nhà gái, phải có các lễ vật, như zèng, chiếu a lơơq, gạo đặc sản các loại, gà, vịt, cá… Về số lượng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình” – chị Tư bắt đầu câu chuyện.
Nghi thức quan trọng trong tục cưới của người Pa Cô xưa cổ là lễ Pôôc xeeq (đám hỏi). Đây là nghi lễ mang tính quyết định, để đôi trẻ tiến tới hôn nhân, 2 gia đình kết tình thông gia. Một tuần sau khi lễ hỏi diễn ra, họ mới tổ chức lễ cưới chính thức. Ở người Pa Cô xưa, lễ cưới gồm có 2 nghi thức trái ngược với phong tục của người miền xuôi, đó là nhà trai tổ chức đám cưới trước, sau đó một tuần mới tổ chức đám cưới tại nhà gái.
Sáng sớm trước khi đưa con gái về nhà chồng, chủ nhà gái làm nghi lễ Pai-a-ngôh (lễ xuất gia). Nhà gái mang theo một số lễ vật để tiễn con về nhà chồng. Khi về nhà chồng, cô dâu choàng bên ngoài một tấm zèng gọi là “pâr lang” để tránh những điều xui xẻo trên đường đi. Mẹ chồng chờ sẵn tại cổng nhà để đón con dâu, đồng thời cởi tấm zèng từ cô dâu và đeo cho cô dâu chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền. Nhà trai bắt đầu làm lễ “Pâr xool” nhận thông gia. Sau nghi thức nhà trai trao của hồi môn thì lễ cưới tại nhà trai kết thúc.
Một tuần sau lễ cưới tại nhà trai, nhà gái lại tiến hành tổ chức lễ cưới tại nhà mình. Người Pa Cô gọi là lễ Pa-liah-a-kay. Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật khá tươm tất, thường khiêng theo 1 con heo to và kèm theo của hồi môn khác với lần trước như vàng, bạc, cườm, áo quần, vải vóc… số lượng tùy theo điều kiện mỗi gia đình.
Lễ cưới của người Pa cô là tập tục có từ lâu đời, là không gian hạnh phúc của các chàng trai, cô gái độ tuổi xuân thì. Trong nghi lễ, họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy trữ tình, nồng thắm với những cung bậc cảm xúc đầy yêu thương. Anh Hồ Văn Linh, diễn viên trong vai chú rể, chia sẻ: “Với các hoạt động này, lớp trẻ chúng em được sống lại với đời sống xưa cổ của đồng bào mình. Các nét văn hóa độc đáo riêng có này nếu được phát huy, tái hiện một cách bài bản sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá về hình ảnh con người và vùng đất A Lưới đến với du khách”.
Để tái hiện lại không gian lễ cưới xưa cổ của người Pa Cô, đồng bào nơi đây cùng nhau dàn dựng mô phỏng lại toàn bộ hệ thống cảnh quan bản làng người dân tộc thiểu số trước đây, tái hiện lại các hoạt động văn hoá phi vật thể, các sinh hoạt, nghi lễ truyền thống… Thông qua các hoạt động này, đồng bào đã bổ sung vào khung bảo tồn của cộng đồng một nghi lễ văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: Đây là hoạt động để địa phương cụ thể hoá Nghị quyết của Huyện ủy về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn từ nay đến năm 2020. A Lưới là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều… tạo cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa quý báu. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Sau những hoạt động này, địa phương tiếp tục phát huy tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách…
Bài, ảnh: Bá Trí
N