Hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng, tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” cũng đang được lan tỏa ngày càng có chiều sâu, đúng chất thân thiện với môi trường.
Sử dụng xe điện cho công vụ trong thành phố Huế
“Nói không với túi ni lông”
Tại quầy hàng lưu niệm ở nhà Hữu Vu (Đại Nội), sau khi chọn mua cuốn “Khiêm Lăng và vua Tự Đức”, một du khách được giao sách trong chiếc túi xách giấy có in lô gô và thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lon”. Đó cũng là hình ảnh đang dần trở nên quen thuộc ở các quầy hàng lưu niệm tại các điểm tham quan của Khu di sản Huế. Theo chị Nguyễn Hoàng Thái Uyên, chủ quầy hàng lưu niệm ở nhà Hữu Vu, khi sử dụng túi giấy này thay cho túi ni lông, khách rất thích và vui vẻ cảm ơn. Túi xách này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn rất lịch sự.
Với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, góp phần quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ngày càng xanh – sạch – sáng, cùng với “Ngày Chủ nhật xanh” được cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn đưa chương trình “Nói không với túi ni lông” vào Quần thể Di tích Cố đô Huế. Theo đó, đối với nội bộ đơn vị, trung tâm phát động phong trào sáng kiến vật liệu thay thế vật liệu nhựa sử dụng 1 lần trong sinh hoạt hàng ngày. Không sử dụng túi ni lông và chai nhựa có thể tích nhỏ để phục vụ các hội nghị, các cuộc họp và hoạt động hàng ngày. Đối với các cơ sở kinh doanh, từ ngày 20/5/2019 cũng không sử dụng túi ni lông để gói hàng, đựng hàng cho du khách. Tại các cửa vào các điểm tham quan, túi giấy với thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lông” cũng được chuẩn bị sẵn sàng, du khách nào có cầm theo túi ni lông sẽ được thay thế.
Sử dụng túi giấy đựng hàng cho khách
Tạo thói quen và dần xóa bỏ hoàn toàn việc dùng túi ni lông tại Quần thể Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho các đơn vị kinh doanh khi chuyển sang dùng túi giấy để gói hàng, đựng hàng cho du khách. Chị Hoàng Thị Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế nói: “Thời gian đầu, trung tâm hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ túi giấy để họ có thời gian chuẩn bị cho việc thay đổi này. Do giá thành giữa sản phẩm túi giấy và túi ni lông chênh lệch đáng kể, nên chúng tôi đang tìm phương án thay thế tối ưu hơn”.
“Nói không với động cơ xăng”
Không chỉ với ni lông và chai nhựa sử dụng một lần, riêng với khu vực Đại Nội, thời gian tới cũng sẽ được tính toán phương án để triển khai cả việc “Nói không với động cơ xăng”. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh vấn đề này trong buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giữa tháng 5 vừa qua. Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu Trung tâm có phương án để tất cả các loại phương tiện hoạt động bằng động cơ xăng (ngoài phương tiện phục vụ xây dựng) không đi lại trong khuôn viên rộng 36ha của Đại Nội. Điều này không chỉ góp phần tạo nên môi trường di sản thân thiện, không có khói xăng, không túi ni lông, không chai nhựa mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc tiền nhân.
Xe điện hiện đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong Đại Nội, nhưng chủ yếu là để khai thác dịch vụ, phục vụ khách tham quan. Lâu nay, hàng trăm viên chức, người lao động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm việc trong Đại Nội vẫn được bố trí, thu xếp để xe máy ở những vị trí không ảnh hưởng đến khu vực tham quan của du khách. Do vậy, để có thể nói “không” với cả động cơ xăng trong khu vực Đại Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tìm điểm để xe tập trung ngoài Đại Nội cho người lao động.
“Người lao động của Trung tâm đồng lòng ủng hộ và thực hiện các hoạt động thực tế để Thừa Thiên Huế ngày càng xanh – sạch – sáng và khu di sản Huế luôn là điểm đến thân thiện. Không động cơ xăng trong Đại Nội thì thay thế bằng xe đạp, xe điện, thậm chí đi bộ. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là tìm điểm để xe tập trung bên ngoài Đại Nội và trung chuyển người lao động vào các điểm làm việc bên trong một cách hợp lý”, ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nêu giải pháp.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
Nguồn: báo TT huế