Huế đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, điều này thể hiện điểm đến đang có sức hấp dẫn. Trong tương lai, nếu Huế có thêm những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, du lịch sẽ tiến một bước dài.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có bãi biển đẹp, thuận lợi để hình thành đô thị du lịch trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Hưng
Năng động
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch không giấu sự phấn khởi, chưa bao giờ mà môi trường đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Huế lại sôi động như thế, với hàng loạt dự án đang triển khai và được cấp chứng nhận đầu tư. Có thể năm 2019 chưa thấy sự bứt phá rõ rệt, nhưng chắc chắn qua năm 2020 và những năm tiếp theo, du lịch Huế sẽ khác, với hai sức hút chính từ văn hóa di sản ở trung tâm TP. Huế và “đô thị” du lịch biển Lăng Cô – Cảnh Dương ở phía nam.
Lãnh đạo ngành du lịch chia sẻ, mới đây, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung định hướng, đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 2 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế; trong đó, Chân Mây – Lăng Cô được lựa chọn. Với định hướng này, du lịch biển gắn với nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ cho Huế, đặc biệt, khi nhu cầu về loại hình du lịch nghỉ dưỡng có xu hướng ngày càng tăng trên toàn thế giới và trong nước.
Theo Phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế – Công nghiệp tỉnh, đến nay riêng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút gần 50 dự án với tổng vốn đăng ký trên 76.000 tỷ đồng. Trong đó, Laguna Lăng Cô tăng mức đầu tư lên 2 tỷ USD; Khu du lịch quốc tế Minh Viễn có tổng mức đầu tư 368 triệu USD… cùng với đó còn có các dự án lớn khác đang đầu tư vào khu kinh tế, như dự án Khu du lịch Lăng Cô – đầm Lập An, với diện tích xây dựng 126ha, vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng; dự án Khu du lịch Bãi Cả với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng… sẽ tạo ra những điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp cho sự bứt phá ở khu “đô thị” du lịch phía nam của tỉnh.
Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt hình thành Khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương, định hướng các sản phẩm du lịch chủ đạo của khu du lịch gồm du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đầm phá kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, đầm phá và rừng; các sản phẩm du lịch golf gắn với các trung tâm huấn luyện golf và các giải thi đấu quốc gia, quốc tế; các hoạt động thể thao dưới nước và trên bãi biển, công viên chuyên đề, khu vui chơi giải trí, casino, đua ngựa. Đây là thời cơ không thể tốt hơn để huyện phát triển kinh tế – xã hội, du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Quang Minh, đại diện Công ty CP du lịch Quốc tế Minh Viễn chia sẻ, lý do mà Minh Viễn quyết định đầu tư là tiềm năng của Huế nói chung và Lăng Cô nói riêng rất lớn, ngoài di tích lịch sử, Lăng Cô có điều kiện tự nhiên đa dạng, hội tụ các yếu tố có thể làm hài lòng khách.
Ngoài Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, ở xã Lộc Bình và Vinh Hiền (Phú Lộc), Công ty TNHH Văn Phú Resort – Lộc Bình cũng quyết định đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao với tổng vốn đầu tư của dự án là 3.066 tỷ đồng. Hay dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương (thị xã Hương Trà) cũng vừa được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng.
Huế đang tiếp tục thu hút đầu tư nhiều dự án ngoài lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, nhằm tăng tính năng động cho ngành công nghiệp “không khói” này. Cụ thể là chợ du lịch Huế, Trung tâm hội nghị Quốc gia, khu vui chơi giải trí… Vietravel cũng đang xây dựng chương trình đại thực cảnh về Huế để phục vụ du khách. Đây được đánh giá sẽ tạo ra sản phẩm có tính đột phá cho Huế trong tương lai.
Thêm những thương hiệu lớn
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, những nhà đầu tư lớn luôn được xem là những “con sếu đầu đàn”. Chính những nhà đầu tư này sẽ dẫn dắt du lịch khu vực miền Trung nói chung và Huế nói riêng phát triển. Do đó, mỗi điểm đến muốn phát triển thì phải có những nhà đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Quang Minh cho hay, mục tiêu của Minh Viễn là hướng đến đối tượng khách nghỉ dưỡng cao cấp. Để quá trình hoạt động hiệu quả hơn, công ty sẽ hợp tác với các tập đoàn du lịch lớn hàng đầu thế giới đến cùng khai thác. Quan trọng hơn, Minh Viễn muốn từ đó liên kết để xây dựng thương hiệu có sức hút lớn hơn.
Ngoài những thương hiệu lớn trong nước đã đến Huế, như Vingroup, FLC…, cần có thêm những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới khác, như: InterContinental, Novotel, Hyatt, Pullman, Furama, Best Western… Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế phân tích, Huế là điểm đến không phải du khách nào trên thế giới cũng biết, nhưng những thương hiệu du lịch hàng đầu thì nhiều du khách lại biết. Khi nhu cầu về chất lượng dịch vụ bằng những thương hiệu uy tín được đặt lên hàng đầu sẽ thúc đẩy, đưa khách đến sử dụng dịch vụ cho Huế.
Cũng theo ông Vũ Hoài Phương, xét về yếu tố kinh tế, những thương hiệu lớn sẽ đưa chuẩn chất lượng dịch vụ của Huế lên cao hơn, đảm bảo môi trường du lịch có tính cạnh tranh về chất chứ không phải về giá.
Ông Lê Hữu Minh cho biết, song song với tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, ngành du lịch đang cố gắng tạo ra cho Huế thành một điểm đến năng động, hấp dẫn hơn để tăng khả năng thu hút khách, đây cũng là tiền đề để các nhà đầu tư quyết định đầu tư.
Điều đáng mừng là các nhà đầu tư đều có những cam kết để “dốc” sức phát triển ở Huế. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air cho biết, chúng tôi vừa ký biên bản hợp tác chiến lược với Huế, phía nhà đầu tư cam kết sẽ nghiên cứu đầu tư các khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, khu đô thị văn minh, hiện đại trên địa bàn. VietJet Air cam kết tăng cường tần suất các chuyến bay, xúc tiến mở nhiều hơn các đường bay quốc tế để đưa khách đến Huế.
ĐỨC QUANG
Nguồn: báo TT huế