Hơn 5 năm qua, cư dân sống dưới chân ngọn LangBian hùng vĩ huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) khá quen một “ông Tây” cao to, có đôi mắt xanh thẳm, hiền lành; mỗi sáng cùng lên rẫy hái cà phê với dân làng; mỗi tối quay quần bên tổ ấm trong căn nhà gỗ giữa bạt ngàn cà phê chốn đại ngàn. Đó là chàng rể người Mỹ – Joshua Guikema và câu chuyện về thương hiệu “K’Ho Coffee”…
Chuyện tình đẹp như… tranh
Vùng đất LangBian xưa vốn là miền huyền thoại gắn với nhiều câu chuyện tình thi vị. Thời hiện đại ngày nay lại được “viết tiếp” những câu chuyện tình rất thực nhưng cũng rất liêu trai, lãng mạn. Ví như, câu chuyện tình giữa chàng kỹ sư nông nghiệp người Mỹ (xa nửa vòng trái đất) đã bén duyên cô sơn nữ K’Ho chốn đại ngàn để rồi cùng nhau xây dựng thương hiệu mới làm giàu cho văn hóa của vùng đất này.
Chuyện rằng, sau khi tốt nghiệp Đại học tại Mỹ và có việc làm ổn định; song, vì thích ngao du đây đó, chàng kỹ sư nông nghiệp – Joshua Guikema (khi đó 26 tuổi) đã vác ba lô lang bạt đến nhiều nước. Rồi Joshua Guikema đặt chân đến Việt Nam, thấy cảnh đất nước xinh đẹp, hữu tình nên chàng kỹ sư xin vào làm việc cho Công ty Green Energy (trụ sở tại TP.HCM); Công ty này chuyên tổ chức các tour du lịch bằng xe Vespa phục vụ khách nước ngoài đi khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Năm 2010, đưa khách đến Đà Lạt, lần đầu tiên Joshua được thưởng thức một chương trình biểu diễn cồng chiêng tại đồi Mộng Mơ do các thiếu nữ K’Ho bản địa trình diễn. Quay cuồng bên ánh lửa bập bùng giữa đêm Tây Nguyên huyền bí, ngất ngây trong men rượu cần và quay cuồng trong bước nhảy như mê hoặc của các sơn nữ vai trần… Chàng trai Mỹ đã “mê” cô sơn nữ Cơ Liêng Rolan (nhà ở Bon Bnơr’C – Thị trấn Lạc Dương), cô gái có thân hình thon gọn, chắc khỏe, với làn da màu đồng hun gợi cảm; đặc biệt cô có ngón đàn T’rưng thánh thót như tiếng suối giữa rừng. Ngay lần gặp đầu tiên ấy, chàng trai Mỹ đã bị cô sơn nữ “hớp hồn” .
Joshua xin số điện thoại, Cơ Liêng Rolan cứ nghĩ chỉ để làm quen như các vị khách trước nay, chẳng ngờ vài ngày sau, chàng trai Mỹ đã lặn lội tìm đến buôn làng để gặp Rolan. Nhờ nói tốt tiếng Anh nên hai người khá thuận tiện trong giao tiếp. Chẳng biết tự khi nào, chàng trai Mỹ đã yêu cô sơn nữ say đắm và anh đã ngỏ lời cầu hôn; nói rõ ý định muốn cùng Rolan sinh sống ngay chính trên quê hương cô…
Tình yêu vốn đến bất ngờ và mang theo bao điều kỳ diệu. Từ khi xuất hiện “ông Tây” xa lạ giữa buôn làng khiến mọi người tò mò, nhất là gia đình của Rolan. Nhưng thấy chàng trai thật thà, cùng lên rẫy chăm sóc cà phê, phụ giúp gia đình, đối xử thân thiện với mọi người… Dần dần tình yêu của Joshua đã “chinh phục” bố mẹ Rolan, gia đình đã đồng ý để Rolan “bắt” Joshua làm chồng!
Đám cưới của chàng trai Mỹ và cô sơn nữ K’Ho khiến cả buôn làng “thao thức” suốt mấy ngày đêm. Theo phong tục của người K’Ho, Joshua phải về ở nhà vợ, con sinh ra lấy họ mẹ. Từ đó, “chàng rể Tây” gắn bó với buôn Bner C như định mệnh!…
Nhiều khách nước ngoài đã tìm đến ngôi nhà gỗ và thưởng thức cà phê
Thương hiệu K’Ho Coffee
Vốn có kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất cà phê; đặc biệt sẵn có tình yêu với thứ thức uống quyến rũ loài người trên cả thế giới, sau khi về sống nhà vợ trên vùng đất bạt ngàn cây cà phê, chàng rể Tây đã “bắt nhịp” với khao khát làm giàu từ loại cây trồng này. Joshua đã cùng vợ dựng một căn nhà ván nhỏ, xinh xắn (do anh tự thiết kế) ngay giữa vườn cà phê vừa làm tổ ấm vừa sản xuất, chế biến cà phê…
Giống cà phê Arabica thơm ngon nổi tiếng nhất Việt Nam và trên thế giới; Lạc Dương lại có độ cao hơn 1.500m, vùng đất đỏ bazan, khí hậu quanh năm mát mẻ nên rất phù hợp với loại cây trồng này. Trước nay, bà con trong vùng sản xuất cà phê theo lối truyền thống và chủ yếu bán sản phẩm thô nên giá khá thấp. Chàng rể Tây đã nảy ra sáng kiến sản xuất, chế biến cà phê sạch theo chuỗi liên kết khép kín vừa giúp nhân dân trong vùng nâng cao thu nhập, vừa tự tạo ra “thương hiệu” mới cho sản phẩm đặc thù gắn với Tây Nguyên và tình yêu của anh dành cho quê hương vợ yêu quý.
Được cô vợ trẻ ủng hộ, chàng kỹ sư bắt tay vào công việc. Anh xây dựng một quy trình trồng cà phê sạch (không dùng bất cứ loại phân hóa học, thuốc trừ sâu hay các loại thuốc kích thích tăng trưởng nào) mà sản xuất cà phê hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ; áp dụng phương pháp rang, xay cà phê bằng thủ công để cho ra thành phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Logo và mẫu bao bì cũng do chàng kỹ sư thiết kế và anh đặt tên cho sản phẩm của hai người là: “K’Ho Coffee”.
Ngoài diện tích trồng cà phê của gia đình, Joshua – Rolan còn liên kết với các hộ trồng cà phê Arabica trong vùng (diện tích 50ha) làm vùng nguyên liệu riêng. Anh hướng dẫn bà con trồng cà phê sạch theo cách của mình. Vào mùa thu hoạch, Joshua trực tiếp tuyển chọn những quả chín mọng đưa về tách vỏ, ủ men, phơi nắng rồi rang, xay để cho ra thành phẩm cà phê nguyên chất, có hương vị thơm riêng biệt.
Khâu quan trọng nhất là tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Với kinh nghiệm từ những chuyến “phượt” trước đây và nhờ quen biết nhiều bạn bè, Joshua tích cực liên kết thị trường và tìm cửa hàng quảng bá sản phẩm. Joshua vui mừng cho biết, đến nay, sản phẩm K’Ho Coffee của vợ chồng anh đã có 7 cửa hàng tại các thành phố: Đà Lạt, Nha Trang, Tuy Hòa (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình), TP.HCM nhận phân phối thường xuyên và tiêu khá tốt. Năm 2014, Joshua đã mang “K’Ho Coffee” dự Hội chợ “Organic Famers’ Market” tổ chức tại TP.HCM; mục đích để sản phẩm được khách hàng biết, làm quen, từng bước tiếp cận thị trường. Chẳng ngờ, lần đầu “ra mắt” này, sản phẩm K’Ho Coffee của vợ chồng chàng kỹ sư trẻ đã “lọt” vào “tầm mắt” của nhiều công ty trong nước; ngay trong năm đó, Công ty Coffee Real Speciality Coffee Roasters (Trụ sở TP.HCM) đã tìm đến tận Bon Bnơr C khảo sát quy trình sản xuất K’Ho Coffee và Công ty này đã đặt hàng 20 tấn/năm khiến đôi vợ chồng trẻ mừng vui không tả nổi…
“Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm K’Ho Coffee dần dần được nhiều người biết đến và đã tìm được “chỗ đứng” trên thị trường. Những năm gần đây, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tận ngôi nhà nhỏ của Joshua và Rolan để tận mắt xem quy trình thu hoạch, chế biến cà phê, trực tiếp thưởng thức hương vị ly cà phê được rang xay tại chỗ. Có nhiều vị khách sau khi tham quan và thưởng thức cà phê do chủ nhân tự pha chế đã mua hàng làm quà (giá bán tại chỗ từ 400 – 500 ngàn đồng/kg).
Giờ đây, “Ngôi nhà nhỏ trên… cao nguyên” bỗng trở thành điểm đến lý thú của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Niềm vui và niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ này mỗi ngày cứ thế nhân lên…
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
nguồn: Báo dulich. Net.vn