TTH – Tháng 3 này, chúng tôi lại có dịp trở lại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để thấy gần hơn giá trị của những ngày quê hương được giải phóng. Mỗi hiện vật ở đây ít nhiều nói lên ý chí, nghị lực của quân và dân tỉnh nhà trong việc quyết tâm đánh thắng kẻ thù để có được cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử
Gần hơn giá trị
Thật khó để nói hết bằng lời, nhưng những gì được tận mắt chứng kiến qua những hiện vật, chúng tôi càng thêm tự hào, biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha anh đi trước. Chỉ là một mỏ tre nhỏ, nhưng đó là kỷ vật mà gia đình chị Xuân ở xã Phong Thu (Phong Điền) dùng để làm tín hiệu cho người dân nơi chị ở biết thời khắc lịch sử Thừa Thiên Huế giải phóng đã đến.
“Cũng thật khó hình dung một áo phao nhỏ lại là vật dụng của các chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 Phú Xuân anh hùng dùng để vượt sông Hương tiến về giải phóng TP. Huế. Một chiếc xăm ô tô được Đại đội 619 ngành hậu cần làm phao đã bao lần vượt qua bom đạn ra chiến trường. Những khẩu súng của đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên; đồng chí Nguyễn Đức Long, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 15 sử dụng trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế tháng 3/1975 mà chúng em tận mắt chứng kiến cũng thật ý nghĩa”, Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế chia sẻ.
Trong số nhiều hiện vật gợi nhớ đến những ngày tháng 3 lịch sử của quê hương phải kể đến súng H12 của Đại đội 14, Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên – Huế. H12 đã lập nhiều chiến công, đánh 25 trận, diệt 60 tên địch ngày 8/3/1975. Chính các họng súng H12 này đã đánh vào căn cứ Phổ Lại (Quảng Vinh, Quảng Điền) mở màn cho chiến dịch năm 1975 giải phóng Thừa Thiên Huế… Tất cả như một thước phim quay chậm về những ngày đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào ấy – ngày 26/3/1975.
Chị Lê Thị Mai An, thuyết minh tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế xúc động: Sáng 26/3/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Qua 2 đợt tấn công và nổi dậy, quân và dân trong tỉnh đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã được Quân ủy Trung ương điện khen “Việc đánh chiếm và giải phóng TP. Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho Nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước hết sức nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước”.
Thừa Thiên Huế giải phóng đã tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Súng H12 – một trong những hiện vật gợi nhớ đến những ngày quê hương được giải phóngchúng. Đảng bộ, quân và dân Thừa
Vững bước đi lên
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, việc làm trước tiên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh là tập trung khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh. Hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế còn cho thấy, thời điểm ấy, những chiếc thuốn dò mìn được làm bằng sắt, chỉ dài 1,26 mét của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 Phú Xuân đã phát huy hiệu quả trong việc dò phá bom mìn. Nhiều diện tích đất đai trên địa bàn của tỉnh đã được Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 Phú Xuân giải phóng bom mìn, tạo điều kiện cho người dân trở về làng cũ tham gia sản xuất sau ngày giải phóng.
Vừa chỉ cho chúng tôi thấy, chị Lê Thị Mai An vừa thuyết minh: Cũng là chiếc thuốn dò mìn, nhưng du kích và Nhân dân xã Thủy Thanh (Hương Thủy) đã dùng tre làm cán, dùng sắt làm lưỡi để phá gỡ bom mìn và thu dọn dây thép gai của địch, giải phóng nhiều diện tích đất đai cho Nhân dân sản xuất trồng trọt. Thời điểm lúc bấy giờ, ai cũng một lòng mong muốn đất nước sớm được ổn định, Nhân dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc” như lời Bác Hồ hằng mong ước, nên ai cũng cố gắng lao động, sản xuất và rất sáng tạo.
Cũng tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nhiều hiện vật, hình ảnh gợi nhớ về những năm tháng sau chiến tranh. Đó là, năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, nhiều người dân ở Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… tình nguyện giã từ quê hương lên khai hoang, xây dựng quê hương mới ở Nam Đông, A Lưới. Nhiều tổ đoàn kết sản xuất được hình thành, mỗi tổ bình quân 30-40 hộ, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất. Năm 1979, các địa phương thực hiện chủ trương thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hoàn thành công tác cải tạo quan hệ sản xuất, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương.
Trong các nhà máy, xí nghiệp, công nhân lao động hăng hái thi đua sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị cho xã hội. Những chiếc áo Jaket cộc tay của nam, dài tay của nữ do Xí nghiệp Dệt may TP. Huế sản xuất được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế như minh chứng cho những nỗ lực vươn lên làm chủ công nghệ, máy móc ngành dệt may của những người thợ, công nhân lành nghề. Những sản phẩm đó được xuất đi một số nước như: Đài Loan, Hồng Kông… Đây là những sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại triển lãm thành tựu kinh tế của tỉnh năm 1995, chào mừng 20 năm giải phóng Huế…
Còn rất nhiều hiện vật khác nữa ở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế làm cho chúng ta gợi nhớ một thời gian khó, nhưng rất tự hào. Càng tự hào hơn, sau 44 năm, kể từ ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng, bộ mặt mới của quê hương đã và đang đổi thay từng ngày chính bằng những bước đi vững chắc.
Bài, ảnh: ANH PHONG
Nguồn: Báo TT Huế