TTH.VN – Là chủ đề của Chương trình Cà phê Doanh nhân số 10 do Hội Doanh nhân trẻ (HDNT) tỉnh tổ chức ngày 9/3 với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, lãnh đạo Sở Du lịch và đông đảo thành viên HDNT, các doanh nghiệp (DN) làm du lịch trên địa bàn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế Cung Trọng Cường trình bày đề xuất tại chương trình
Doanh nghiệp đề xuất, hiến kế
Tại chương trình, các doanh nghiệp (DN), doanh nhân hoan nghênh và đánh giá cao buổi gặp gỡ và những chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Huế, cơ hội và tận dụng cơ hội với DN địa phương mà ông Nguyễn Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Huế và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định thông tin. Đồng thời, các DN cũng đề xuất, hiến kế những giải pháp, trình bày những khó khăn mà đơn vị mình đang gặp phải với mong muốn du lịch Huế phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, để Huế đẹp hơn.
Giám đốc Huetourist Trần Quang Hào chỉ ra các nguy cơ và điểm yếu đang hiện hữu của du lịch Huế. Cụ thể: hiện chúng ta có apps phản ứng nhanh với các vấn đề của địa phương thì trên apps này có phần đánh giá ca Huế trên sông Hương như, thuyền nào, nhóm nào làm không tốt để khách có thể đánh giá ngay qua đường link được công khai.
Theo ông Hào, nếu nhóm ca Huế nào lặp đi lặp lại nên có chế tài, qua đó giảm dần hình ảnh xấu và nâng cao chất lượng cho loại hình này.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn cháy nổ tại các homestay – loại hình kinh doanh du lịch đang dần phát triển mạnh tại Huế hiện chưa được quan tâm, ảnh hưởng của karaoke đối với du lịch và xây dựng lộ trình xử lý vấn đề vỉa hè cũng được Giám đốc Huetourist chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang phát biểu ý kiến tại chương trình
“Các DN Huế vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh nhau và chưa hợp tác với nhau. Như vậy thì làm sao chúng ta giảm những nguy cơ và điểm yếu của du lịch Huế được”, ông Hào nói.
Chủ Nhà hàng Cồn Tộc ở Quảng Điền bức xúc, chúng tôi mong muốn đầu tư khu Resort bên cạnh nhà hàng Cồn Tộc hiện có nhưng không được một số lãnh đạo địa phương đồng tình, xem việc đầu tư của DN như một cách ban ơn, dù DN có phương án rõ ràng. Qua đó, vị này đề xuất trong thời gian tới được phản ánh trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh những vướng mắc và tỉnh có chủ trương để gỡ, tránh tình trạng “ông trưởng trải thảm nhưng ông phó rải đinh” gây khó cho DN.
Đề xuất xây dựng Huế thành thành phố du lịch hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Cung Trọng Cường đặt câu hỏi: “Tỉnh có chính sách lớn cho du lịch hội nghị không? chẳng hạn giảm giá khách sạn và các chương trình hội nghị… Nếu được, Viện sẽ cố gắng kéo về nhiều hội nghị, nhất là các hội nghị quốc tế nhưng để làm được điều này, tỉnh phải có chi phí cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành lân cận”.
Giám đốc Công ty Thương hiệu và đồng phục Lion Nguyễn Văn Thanh Bình nêu, dự án do đơn vị đưa nhà đầu tư về triển khai đã được thông qua từ cấp xã đến thị xã nhưng khi lên đến cấp sở thì phải dừng lại với lý do quy hoạch đó không phù hợp với định hướng phát triển. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư.
Doanh nhân Nguyễn Thị Đoan Trang, Công ty Thêu may Đoan Trang thẳng thắn, tỉnh chưa trọng dụng nhân tài cũng như chưa có sự vinh danh đầy đủ đối với những cá nhân có sự đóng góp cho Huế và mong tỉnh xây dựng lực lượng cảnh sát du lịch để tạo hình ảnh đẹp và sự yên tâm cho du khách khi đến Huế…
Đổi mới, đột phá trong tư duy
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho biết, giải pháp xử lý cho ca Huế, tiếng ồn của karaoke hay vấn đề an toàn cháy nổ… sẽ có cơ chế chung. Riêng vấn đề vỉa hè, không riêng Huế mà ngay thành phố Hồ Chí Minh việc thực hiện cũng không đơn giản. Phải lo chỗ đậu xe, liên quan đến quy hoạch, thói quen tập quán của người dân… “Quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được nhưng muốn thay đổi, cần phải có thời gian”, Phó Chủ tịch Phan Thiên Định nói.
Phó Chủ tịch Phan Thiên Định chia sẻ với các doanh nghiệp bên lề chương trình
Việc triển khai dự án vướng do quy hoạch, sắp tới, tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch vì hiện có quy hoạch làm ở mức độ rất thấp nhưng đang “ràng chân” những dự án lớn của tỉnh. Ông Định thông tin, vừa qua, tỉnh triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và fanpage trên mạng xã hội hay app đang thử nghiệm, qua đó, tất cả những phản ánh sẽ được tiếp nhận, xử lý và phản hồi. Sau này, đây là kênh tương tác thường xuyên của tỉnh với từng công dân.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận mặc dầu là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt để phát triển du lịch, nhưng vẫn chưa được phát huy một cách đúng mức để tạo lợi thế cạnh tranh. Để thay đổi vấn đề này, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng các DN. “Vậy đột phá gì để du lịch Huế phát triển bền vững?”, theo ông Phan Thiên Định, đó là thay đổi tư duy. Vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp, ngoài việc khai thác các giá trị di sản văn hóa, dẫn khách đến tham quan và thu vé là câu chuyện đầu tư, liên kết, chung tay của DN đối với chính quyền để phát triển những giá trị di sản, phát triển du lịch Huế.
“Về phía chính quyền, tỉnh đã và đang thay đổi với tư duy năng động, cởi mở, lắng nghe, ủng hộ ý tưởng mới và không né tránh; chính quyền điều hành linh hoạt, kịp thời (qua việc sử dụng mạng xã hội, zalo để phục vụ điều hành); không tư duy lợi ích nhóm, công khai, minh bạch và phấn đấu phát huy giá trị Huế một cách cao nhất, cái gì làm lợi cho Huế thì chúng ta làm”, ông Định nói.
Bài, ảnh: Liên Minh
Nguồn: Báo TT Huế