Du khách check-in trong một biệt thự ở Bạch Mã. Ảnh: MC |
Ngày ấy – ba mươi năm có lẻ – tôi là “Phó tướng” của GS. Phan Trường Thị, giáo sư địa chất đầu ngành Việt Nam, đi khảo sát tìm kiếm mỏ đá Granit ở Bạch Mã. Phải lần mò dọc theo dải núi rồi lần dần lên đỉnh, cuối cùng cũng leo lên được đỉnh Bạch Mã. Đường đi gồ ghề, dốc đá cheo leo, có chỗ phải trèo qua những thân cây to cả hai người ôm đổ ngang đường, có chỗ phải vượt những dòng thác nước chảy xối xả. Vừa đi vừa phải chống chọi với lũ vắt đói máu, có thể “phi” xa đến nửa mét khi ngửi thấy mùi người. Vắt có ở tứ phía. Hai tay phải làm việc liên tục để “lôi cổ” lũ khát máu đang bám chặt vào người. Phát kinh! Tôi đã quá quen với lũ vắt trong những ngày hành quân ở miệt rừng Quảng Nam, nhưng GS. Thị tỏ ra rất lúng túng đối phó, tôi phải giúp sức kéo lũ vắt đã no máu quẳng ra xa.
Gần tới đỉnh, trong những lùm lá xanh mướt đã thấy thấp thoáng ẩn ẩn hiện hiện những biệt thự, lâu đài bỏ hoang, còn trơ lại những bức tường phủ đầy rêu phong, những nền nhà còn nguyên vẹn, những cây cột đứng trơ trọi lặng lẽ bên những gốc cây cổ thụ. Thầy trò chúng tôi ngẩn ngơ lặng đi trước mỗi ngôi biệt thự đang dần dần bị màu xanh của cỏ cây nuốt gọn. Tôi sờ nắn, vuốt ve những hoa văn, họa tiết đặc trưng của kiến trúc Pháp mà lòng thấy nao nao, sự tiếc nuối vô tình cứ len lỏi trong tôi.
Đã tới đỉnh trời. Cả một biển mây trắng vần vũ ôm ấp hai thầy trò, gió vờn cùng mây, cùng tiếng chim hót líu lo. Những giọt mồ hôi tan chảy từ lúc nào trong cái se se lạnh của đỉnh Bạch Mã. Tôi mê mẩn đưa hai tay muốn ôm gọn cả dải mây vào lòng. Và thật lạ với chính mình, tôi đã hét lên
“A A A…” rất to như khẳng định rằng tôi đã trèo lên được đỉnh Bạch Mã.
Chạy bộ trên cung đường lên Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: PHAN THÀNH |
Sau một hồi khám phá đã đến lúc hạ sơn. Tôi không thể ngờ được 15 cây số xuống núi lại vất vả đến thế. Còn một phần ba đường nữa cánh cửa mặt trời đóng sập lại. Hai thầy trò khập khiễng mò mẫm trong bóng tối.
Chuyến đi khảo sát ấy đã tìm được một vài dải Granit đen, chất lượng tuyệt vời. Nhưng vì nhiều lý do, dự án cũng bị dừng lại.
Tôi đã thực hiện lời hứa với mình: nhất định sẽ quay lại nơi đây, nơi mà người Pháp đã chọn làm địa điểm nghỉ dưỡng vì khí hậu chẳng thua kém gì Đà Lạt. Chắc khi trở lại Bạch Mã đã thay đổi nhiều lắm?
Chúng tôi đã có mặt ở Bạch Mã village nơi có các thác nước chảy từ trên cao đổ xuống các hồ nước trong vắt. Đi dạo quanh chỗ nào cũng có hoa khoe sắc, khoe hương rung rinh trong làm gió nhè nhẹ của buổi chiều tà chợt thấy lòng mình nhẹ nhàng lâng lâng.
Đúng là Bạch Mã – Hòn ngọc xanh của xứ Huế – đã có nhiều đổi thay. Chúng tôi người Bắc, kẻ Nam tập trung dựng lều ngay dưới chân Bạch Mã, nhâm nhi ly rượu bên bếp lửa hồng thơm nức mùi thịt nướng. Ngỡ có đến gần trăm chiếc lều bạt được dựng lên trên thảm cỏ xanh, lung linh trong ánh đèn cùng ánh trăng thanh. Các nhóm trẻ tuổi dựng lều trại gần đó đàn hát rôm rả như đang muốn đánh thức Bạch Mã tỉnh giấc. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đã được ô tô đưa lên gần đỉnh. Không khí mát lạnh, mây trắng vờn quanh. Các ngôi biệt thự cổ gần như được sống lại trong những chiếc áo màu ve vàng, ve trắng nổi bật trên nền xanh của cỏ cây. Từ chỗ hoang phế giờ đây đã trở thành các biệt thự nghỉ dưỡng. Rồi là một vài restaurant, nhà hàng, trạm cung cấp nước được xây mới.
Chẳng riêng gì tôi, ai đã đến đây thì không thể bỏ qua Hải Vọng Đài – nơi có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của khu rừng cũng như có thể ngắm nhìn biển Lăng Cô, biển Cảnh Dương. Tất nhiên cũng không thể bỏ qua thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ Bạch Mã. Đến Ngũ Hồ ta phải đi qua một đoạn đường nhỏ hẹp và sẽ biết thế nào là vắt nhẩy – một trải nghiệm thật thú vị cho những ai từ tấm bé chưa biết con vắt là gì.
Đến Bạch Mã hôm nay lại nhớ đến Bà Nà thuở sơ khai. Lúc đó Bà Nà sao bằng được Bạch Mã bây giờ. “Hotel” chỉ là dãy nhà cấp bốn, cửa bằng tôn, đêm đến những con dơi to như con gà biết bay va chạm vào cửa rầm rầm, người lớn trẻ con sợ rúm lại. Nhà cho các đôi tình nhân được xây kín đáo dưới khe núi, cũng là nhà cấp bốn… Thế đấy. Vậy mà bây giờ là niềm mơ ước của nhiều khu du lịch trong nước và thế giới. Dù không phải là người con của xứ Huế mộng mơ nhưng sao vẫn cứ ước ao, vẫn nặng lòng với Huế, rằng Bạch Mã một ngày không xa sẽ trở thành resort nghỉ dưỡng với những biệt thự đẳng cấp không chỉ dành cho Huế mà cho cả nước, cho cả các du khách nước ngoài. Tôi đã được đi nghỉ ở các resort của Vinpearl, Sungroup…, nhưng tôi tin rằng chẳng đâu sánh được bằng nghỉ dưỡng trong các biệt thự trên đỉnh Bạch Mã này. Hãy tin tôi đi!
Rồi nữa, mở ra các tour du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm có hướng dẫn viên chuyên nghiệp hẳn hoi. Bạch Mã rộng mênh mông nên để tìm ra những cung đường cho các tour du lịch này chắc không phải là khó. Rồi nữa, tổ chức các cuộc đua xe đạp, xe máy vượt núi Bạch Mã một cách thật chuyên nghiệp sẽ lôi kéo biết bao trai Việt, trai Tây, vân vân và vân vân. Xây dựng Bạch Mã được như vậy đâu có ảnh hưởng là bao đến hệ sinh thái của rừng Bạch Mã.
Ước thì cứ ước, biết đâu một ngày không xa sẽ thành hiện thực!