Người dân thực hiện nghi thức tắm Phật. Ảnh: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh |
Rộn ràng không khí
Những ngày cuối tháng 5, bảy đóa hoa sen hạ thủy và thắp sáng trên dòng Hương cũng chính là biểu tượng báo hiệu người dân, phật tử Cố đô nhận biết một mùa Phật đản nữa lại về. Khắp phố phường, đèn lồng, băng rôn chào mừng và cờ Phật giáo được treo xen kẽ với cờ Tổ quốc khiến không khí đón mừng đại lễ của người dân xứ Huế rộn ràng hơn bao giờ hết. Các chùa và cơ sở tự viện cũng gấp rút hoàn thành trang hoàng lễ đài, tôn trí tượng Phật và treo cờ, phướn, lồng đèn, biểu ngữ để chuẩn bị chào đón Đại lễ Phật đản PL.2567-DL.2023.
Bà Nguyễn Thị Hoan, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh háo hức chia sẻ, ghé thăm Huế vào mùa Phật đản là một trải nghiệm đáng nhớ đối với một phật tử như bà. Dự kiến, bà Hoan sẽ lưu trú tại Huế cho đến hết tuần lễ Phật đản để có thể tham gia vào nhiều hoạt động đón mừng đại lễ.
Với gia đình phật tử Hoàng Văn Huy (phường Trường An, TP. Huế), sau mấy năm liền bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hai năm trở lại đây không khí mùa Phật đản đã trở lại nhộn nhịp như xưa. Nhiều chương trình đón mừng đại lễ ý nghĩa được tổ chức năm nay hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo phật tử tham gia hưởng ứng.
Theo thông tin từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, 2023 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Giáo hội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm pháp nạn và Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023).
Thực hiện nghi thức tắm Phật tại triển lãm “Lửa từ bi sáng ngời trang sử Phật”. Ảnh: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh |
Theo đó, Tuần lễ Phật đản được tổ chức gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm… với các chương trình chính như: thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương, triển lãm ảnh “Lửa từ bi sáng ngời trang sử Phật”, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa quanh thành phố Huế và các vùng phụ cận, lễ Mộc dục, rước Phật và Đại lễ Phật đản chính thức tại Tổ đình Từ Đàm…
Nổi bật phải kể đến Tọa đàm kỷ niệm “60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân” do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức. Buổi tọa đàm đã lắng nghe chư Tôn thiền đức, học giả, nhà nghiên cứu phát biểu, các ý kiến tập trung vào vấn đề pháp nạn 1963 mà trọng tâm là sự việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Các ý kiến đã làm sáng tỏ về giá trị và bài học lịch sử của phong trào Phật giáo năm 1963 và rút ra những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Bên cạnh các hoạt động tôn giáo và lễ hội, Phật đản cũng là dịp để mọi người cùng hướng về hoạt động từ thiện xã hội. Năm nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục chú trọng công tác từ thiện xã hội, kêu gọi tăng ni, cư sĩ thiện tín thập phương phát tâm cúng dường, đóng góp tịnh tài để giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn với tinh thần đạo pháp – dân tộc.
Một trong những điểm mới năm là Chương trình Buffet chay gây quỹ từ thiện diễn ra từ 31/5 – 2/6. Tham gia chương trình lần này sẽ có 24 đơn vị nhà hàng, khách sạn và tiểu thương chợ Đông Ba với hơn 50 món chay mang hương vị truyền thống xứ Huế để thực khách tại địa phương cũng như du khách thập phương thưởng thức.
Với giá vé 100 nghìn đồng, tất cả kinh phí thu được từ hoạt động này, từ sự đóng góp của các mạnh thường quân sẽ được Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh tổ chức trao tặng đến người nghèo, các bệnh nhân nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Đại đức Thích Huệ Trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh cho biết, trong Tuần lễ Phật đản, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh còn triển khai chương trình từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội cho hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật và bệnh nhân.
Dự kiến chương trình sẽ trao tặng khoảng 500 suất quà tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cơ sở tự viện, tăng ni, phật tử cũng tích cực tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà cho các gia đình khó khăn và hoàn cảnh yếu thế nhằm thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật.
Bà Nguyễn Thị Bê (phường Thủy Xuân, TP. Huế) chia sẻ, cứ mỗi mùa Phật đản là những hoàn cảnh khó khăn như bà lại được nhiều chùa và gia đình phật từ thăm hỏi, tặng quà động viên.
Sau một kỳ festival đã qua, mọi người lại nô nức chuẩn bị đón mừng một mùa Phật đản đang đến. Đối với mảnh đất Cố đô, Phật đản không đơn thuần là lễ hội mang màu sắc của văn hóa, tâm linh mà còn là ngày đặc biệt đối với mỗi người dân xứ Huế.