Năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 70 – 80%; tổng doanh thu khoảng 6.000 – 7.000 tỷ đồng. Với những tiềm năng về du lịch thì việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ là điều quan trọng nhất. Trong đó đáng chú ý là việc xúc tiến mở đường bay nội địa, quốc tế sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngành du lịch phát triển.
Du khách đến Huế bằng đường hàng không vào đầu năm 2023
Để đạt được con số trên, trong năm 2023, ngành du lịch tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo, có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Cùng với đó, vận động doanh nghiệp phát triển một số sản phẩm mới gắn với du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe; du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp. Đồng thời, phát triển dòng du lịch tâm linh, du lịch làng nghề cũng như tập trung chuyển đổi số, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.
Song song với đó, là việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường, liên kết với các địa phương để kết nối các sản phẩm du lịch liên vùng – miền. Tiếp tục duy trì với các đối tác chiến lược như các hãng hàng không, các đơn vị lữ hành lớn để hình thành một số sản phẩm tour tuyến, tăng thêm lượng khách quốc tế và nội địa đến Thừa Thiên Huế.
Việc các hãng hàng không mở rộng đường bay trong và ngoài nước được đánh giá mang làn gió mới góp phần rất lớn trong việc hợp tác kinh tế, xã hội, phát triển ngành du lịch. Mới đây, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng với một số sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với Vietravel và Công ty CP Hàng không Vietjet để quảng bá, xúc tiến việc mở các đường bay mới. Trong đó, có các đường bay quốc tế và tăng tần suất chuyến bay đến Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài để tăng lượng khách du lịch đến Huế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng làm việc với Công ty CP Hàng không Vietjet
Buổi làm việc tập trung vào các nội dung về xúc tiến các đường bay quốc tế tới các thị trường như Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… và các chuyến bay nội địa tới Phú Quốc, Gia Lai, Nha Trang, Vân Đồn nhân dịp nhà ga T2 chuẩn bị khai trương hoạt động vào cuối tháng 3/2023. Vietravel cũng đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tuần lễ Bún bò Huế, Chè Huế trong chuỗi sự kiện Festival bốn mùa của tỉnh nhà, đặc biệt là ý tưởng tổ chức chương trình hành trình xe cổ, triển lãm xe cổ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2023.
Tỉnh cũng mong muốn Vietjet tăng cường mở các chuyến bay quốc tế đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Hàn Châu, Chiết Giang), Đài Loan, Trung Đông, Úc (quá cảnh)… và tăng cường các tuyến bay nội địa như Cát Bi (Hải Phòng), Kon Tum, Gia Lai, Phú Quốc… Và Vietjet cho biết, hãng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ hàng không tiện nghi, thân thiện để khai thác các tuyến đường quốc tế trọng điểm, kết nối các thành phố du lịch của Việt Nam đến các nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, ngành du lịch phải chủ động hơn nữa trong khai thác các thị trường khách quốc tế, chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các giải pháp mới, đồng thời phải đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá để đưa hình ảnh Huế ra các thị trường một cách hiệu quả hơn.
“Dù còn nhiều khó khăn, song phải khẳng định rằng, du lịch thế giới đang dần phục hồi tốt hơn. Trước diễn biến đó, điều cần làm của du lịch Huế là tập trung triển khai các giải pháp, hình thành các sản phẩm, dịch vụ để khai thác khách nội địa, lấy khách nội địa là nền tảng; đồng thời tăng cường các giải pháp để thu hút tốt hơn các thị trường quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong năm 2023, ngành du lịch tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo, có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Vận động doanh nghiệp phát triển một số sản phẩm mới gắn với du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp. Đồng thời, phát triển dòng du lịch tâm linh, du lịch làng nghề. Ông Phúc đề xuất lãnh đạo tỉnh ban hành các chính sách trong quản lý và phát triển du lịch, đề xuất một số định hướng, triển khai một số hoạt động sự kiện để phục hồi, phát triển du lịch.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng các sản phẩm mới, ngành cũng đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến. Trong thời gian đến, ngành sẽ triển khai chiến dịch truyền thông “Cố đô Huế – Điểm đến di sản hàng đầu Việt Nam” trên kênh truyền hình CNN. Đây là kênh truyền thông lớn, từ đó, hình ảnh du lịch Huế đến với nhiều thị trường hơn. Để các giải pháp thu hút khách quốc tế đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu ngành du lịch phải luôn chủ động nghiên cứu thị trường và chủ động có những giải pháp phù hợp. Với nhiều thay đổi trong quá trình đón và phục vụ khách như hiện nay, ngành cũng phải chủ động tham mưu các chính sách để tỉnh thay đổi kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài sẽ đưa vào hoạt động trong cuối tháng 3/2023. Cảng HKQT Phú Bài có vai trò, cực kỳ quan trọng trong việc kết nối, đa dạng hóa các phương tiện vận tải, khai thác được tiềm năng và lợi thế sẵn có, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế và cho cả khu vực, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch. “Vì thế, ngay từ bây giờ, ngành du lịch cần chủ động tham mưu các thị trường khách trọng điểm, có xu hướng lựa chọn Huế làm điểm đến để mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút khách du lịch đến Huế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý.
Bài, ảnh: VĂN BỐN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”