TTH – Bằng việc giới thiệu các chương trình, loại hình nghệ thuật di sản bên ngoài không gian di tích, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế góp phần làm “sống” không gian thâm nghiêm cổ kính của Hoàng cung.
Tái hiện lễ đổi gác
Biểu diễn xuyên tết
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, du khách đến Đại Nội, ngoài tham quan di sản vật thể còn được thưởng thức di sản phi vật thể độc đáo của triều Nguyễn. Những ngày đầu năm mới, không gian trầm lắng của Hoàng cung như bừng sức sống với lễ đổi gác, với tiếng đàn, tiếng hát của các chương trình biểu diễn nghệ thuật và không khí sôi động của các trò chơi cung đình.
Suốt ba ngày tết, khi mọi người bắt đầu năm mới bằng việc chúc tết, du xuân thì các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đến Đại Nội từ sáng sớm chuẩn bị cho lễ đổi gác ngày đầu năm. Trong áo mũ chỉnh tề, lễ đổi gác được các nghệ sĩ tái hiện với nghi lễ trang trọng trước Ngọ Môn, giúp du khách hình dung một phần nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn.
Sau lễ đổi gác, không gian tại sân điện Thái Hòa rộn ràng với tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát. Sau khi tham quan công trình kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn, du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật miễn phí nhưng rất đặc sắc với những bản hòa tấu âm nhạc cung đình, những bài hát chúc xuân vui tươi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại điện Thái Hòa trong dịp tết của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế
Dù phải làm việc ngay những ngày đầu tiên của năm mới, nhưng các nghệ sĩ rất vui khi được biểu diễn phục vụ du khách. Ca sĩ Thanh Lan cho hay: “Tôi biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đón giao thừa “Xuân quê hương” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức và diễn sáng mùng 1 Tết tại Đại Nội. Dù không được đón tết trọn vẹn bên gia đình, nhưng mình là nghệ sĩ, được biểu diễn phục vụ khán giả là đam mê và hạnh phúc”.
Đặc thù nghề nghiệp của nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế là khi mọi người được nghỉ ngơi, đi du lịch thì họ biểu diễn phục vụ. Vì thế, dù lễ tết, họ vẫn cất lời ca, tiếng hát, ngón đàn, mang lại không khí rộn ràng cho không gian di sản.
“Khao khát của nghệ sĩ là được làm nghề. Bởi vậy, những năm trước, phải tạm dừng biểu diễn do dịch là khoảng thời gian rất buồn. Bây giờ sân khấu sáng đèn, anh em nghệ sĩ rất hào hứng biểu diễn cống hiến cho du khách những chương trình hay. Đây cũng là dịp vừa giới thiệu, quảng bá di sản phi vật thể, vừa làm cho không khí Hoàng cung rộn ràng lên, thu hút khách du lịch nhiều hơn”, ông Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế chia sẻ.
Rộn ràng không gian di tích
Từ khi hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 vào khoảng giữa tháng 3/2022, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật ra ngoài không gian di tích. Ngoài các suất diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tái hiện các nghi thức và hoạt động chốn cung đình xưa qua các chương trình nghệ thuật, như: Lễ đổi gác, chương trình Âm sắc cung đình và Huế xưa, biểu diễn ca Huế, trích đoạn tuồng cung đình… tại Ngọ Môn, sân đại triều điện Thái Hòa, cung Trường Sanh và Nhật Thành Lâu.
Không chỉ biểu diễn thường xuyên tại các điểm trên, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế còn xây dựng các chương trình nghệ thuật lớn biểu diễn trước Ngọ Môn hoặc điện Thái Hòa. Các chương trình nghệ thuật mùa hạ hoặc mùa đông, chương trình nghệ thuật đón giao thừa luôn thu hút hàng ngàn khán giả. Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức biểu diễn tại phố đêm Hoàng thành.
Hoàng cung thâm nghiêm nay thật sôi động với những chương trình giới thiệu nghệ thuật cung đình, tái hiện nghi tiết thuở xưa. Điều đó càng làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của di tích. Qua những trích đoạn tuồng, bài bản ca Huế, những tiết mục hòa tấu mang âm hưởng cung đình hay trình tấu đại nhạc, tiểu nhạc, nhà hát quảng bá tinh hoa của di sản nghệ thuật cung đình. Khách đến Đại Nội không chỉ tham quan, ngắm cảnh mà còn được thưởng thức nghệ thuật miễn phí. Qua đó, thu hút du khách gần xa đến với khu di sản.
Ông Nguyễn Hoàng Long, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đến thăm Đại Nội Huế, ngoài tham quan cung điện, chúng tôi còn được thưởng thức âm nhạc cung đình. Việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở không gian rộng như thế này rất hay, trên đường đi tham quan, du khách có thể dừng chân thưởng thức. Những chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí ở bên ngoài rất cần để kích cầu du lịch”.
NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết, những ngày tạm ngưng biểu diễn do dịch COVID-19, nghệ sĩ nhà hát vẫn tập luyện những trích đoạn tuồng, các bài bản Nhã nhạc, làn điệu ca Huế. Từ khi mở cửa du lịch trở lại sau dịch, nhà hát cố gắng tạo ra nhiều hoạt động trong khu di tích để phục vụ khách du lịch, nhất là đưa vào chương trình biểu diễn những trích đoạn, bài bản mới dàn dựng, tập luyện. Đến nay, du khách tham quan khu di sản ngày càng đông, điều đó khiến nghệ sĩ càng hào hứng biểu diễn dù thời tiết nắng nóng hay mưa lạnh.
“Xác định phi vật thể là linh hồn của vật thể, chúng tôi cố gắng hết sức để biểu diễn phục vụ, làm hài lòng khách tham quan tại các khu di tích. Khi khách đến tham quan, nghe văng vẳng tiếng đàn tranh, đàn bầu, tiếng hát ca Huế hay trình tấu đại nhạc, tiểu nhạc trong không gian cổ kính này, họ rất thích”, NSND. Bạch Hạc nói.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”