TTH – Lễ hội mùa Xuân ở Huế không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn là không gian để người dân, du khách ngưỡng vọng bậc tiền nhân, cầu năm mới bình an và hiểu thêm những giá trị lịch sử mà cha ông để lại.
Các nữ đô vật trên sới vật làng Thủ Lễ
Tưởng nhớ tiền nhân
Sau mấy năm không thể tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh, Xuân Quý Mão 2023 đã trở lại bình thường, tưng bừng các lễ hội. Người dân và du khách thập phương dập dìu về Huế vừa hành lễ, vừa vui hội trong không khí vui tươi, yên bình.
Không riêng gì ngày mồng 1 Tết, những ngày ra tết rất nhiều người dân xứ Huế và du khách thập phương tìm đến nhiều ngôi cổ tự để lễ Phật và cầu nguyện. Không khó bắt gặp cảnh du khách dạo bước bên trong các chùa nổi tiếng của Huế như Thiên Mụ, Từ Đàm, Từ Hiếu, Tường Vân, Báo Quốc… Hầu hết, khách đến chùa ngoài lễ Phật, họ còn tìm những giây phút thong thả nhất để khởi hành cho năm mới với rất nhiều hành trình, dự định phía trước. “Mình đến chùa lễ Phật, cầu thân tâm an yên và mọi việc trong năm mới cũng như thế. Mình cũng nguyện và xem đó như là một điểm tựa tâm linh để bản thân cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống”, chị Nguyễn Thu An (TP. Huế) tâm sự sau khi lễ chùa ở chùa Từ Đàm vào một ngày đầu Xuân.
Cũng nằm về hướng phía tây TP. Huế, lễ hội đền Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân những ngày đầu năm mới luôn là điểm đến được du khách dành thời gian tìm về. Người ta tìm đến lễ hội này trước để dâng hương tưởng nhớ công chúa Huyền Trân – người có công lao mở mang bờ cõi đất nước, gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, và sau là được đắm chìm trong các không gian trò chơi truyền thống.
Vẫn là chủ đề “ngưỡng vọng tiền nhân”, lễ hội này như một lời nhắc nhở thế hệ hiện tại về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Năm nay, lễ hội này được đưa vào chương trình lễ hội mùa Xuân của Festival Huế 2023.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa hàng năm thường đi dự lễ hội đền Huyền Trân. Theo ông Hoa, công chúa Huyền Trân đã ăn sâu trong tâm thức của người dân xứ Huế, mọi người ai cũng cảm nhận được ơn nghĩa của vị công chúa này. Và việc có mặt của lãnh đạo tỉnh, của người dân, du khách trong ngày lễ cũng chính là ngày mất của công chúa Huyền Trân đã thể hiện tính tri ân, ngưỡng vọng tiền nhân.
Hội tụ sắc thái của một vùng đất
Xuôi về những vùng ngoại ô Huế, tháng Giêng còn có rất nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành “món ăn tinh thần” những ngày đầu năm mới như vật Thủ Lễ, vật Sình, cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ… Vui hơn khi sau nhiều năm hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh, mùa xuân Quý Mão này nhiều lễ hội đã sôi động trở lại, đáp ứng nhu cầu vui chơi của không chỉ khách địa phương mà còn là cơ hội khám phá với du khách phương xa.
Phải 6 năm rồi, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, TP. Huế) mới được khai hội trở lại. Cầu ngư là lễ hội 3 năm được tổ chức một lần, được gọi là “tam niên đáo lệ”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch nên lễ hội truyền thống của người dân vùng biển Hải Dương phải tạm ngưng vào năm 2020.
“Năm nay lễ cầu ngư được tổ chức trở lại, bà con ai nấy rất vui mừng. Vì thế mọi công tác chuẩn bị được chú trọng từ phần lễ cho đến phần hội, làm sao vừa trang nghiêm nhưng vẫn sôi động”, ông Huỳnh Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội chia sẻ.
Theo ông Bảo, lễ hội cầu ngư có từ hàng trăm năm trước, cầu mưa thuận gió hòa, tôm cá được mùa, mọi nhà an khang thịnh vượng. Ban đầu lễ hội được tổ chức đơn giản, về sau khi có điều kiện dân làng tổ chức quy mô rộng lớn, trang trọng nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần, giá trị.
“Không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư miền biển, đó còn là sợi dây vô hình gắn kết quá khứ với hiện tại, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh cộng đồng do người dân trực tiếp làm chủ thể từ khâu tổ chức cho đến kinh phí thực hiện”, ông Bảo phân tích về nét đẹp của lễ hội.
Các nhà nghiên cứu Huế cho biết, lễ hội Huế thường gói gọn trong phạm vi nhỏ, không có sự trục lợi, không tạo ra sự phản cảm và những người tổ chức lễ hội thường rất bài bản, cẩn trọng.
TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, lễ hội mùa xuân có thể nói là sinh hoạt văn hóa rất có giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị kết nối cộng đồng và giá trị tâm linh trong đời sống người dân xứ Huế. Vào đầu xuân, đất trời vạn vật khởi bừng một sức sống mới, khi mùa vụ nhàn rỗi, khi lòng người náo nức, rộn rã với những ước mong và lễ hội chính là tiêu điểm hội tụ sắc thái văn hóa của một vùng đất.
Theo TS. Giang, giá trị nhân văn ở lễ hội mùa xuân xứ Huế chính là tôn vinh những cái đẹp trong văn hóa, ứng xử với thiên nhiên, với con người, là sự trở về nguồn cội, gìn giữ văn hóa, là sự tri ân với đất trời, tiên tổ như hội chợ xuân Gia Lạc, hội đu tiên ở một số nơi của huyện Phong Điền…
Tính cộng đồng được phát huy, kết nối ngày càng bền chặt, đoàn kết như hội đua trải Hương Thủy, vật làng Sình, hội vật làng Thủ Lễ, bài chòi… Và tính tâm linh qua việc bày tỏ lòng thành kính biết ơn tiền nhân, thần linh phù hộ cho một năm an lành, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống, công việc như lễ hội Huyền Trân, lễ cầu ngư làng Thai Dương Hạ, đi chùa cầu an… “Lễ hội xuân xứ Huế vừa thiêng liêng, trang trọng, vừa vui tươi, rộn ràng, là sự đáp ứng những nhu cầu tinh thần và văn hóa của người dân Cố đô”, TS. Giang nhận định.
Bài: Nhật Minh – Ảnh: Đình Hoàng
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”